Cách đây không lâu, khi đánh giá về các tỉnh thành trên cả nước có số lượng người bị nhiễm asen, PGS.TS Lê Văn Cát, Trưởng phòng Hóa - môi trường, Viện Hóa học Việt Nam chỉ ra địa phương nhiều người nhiễm asen nhất chính là Hà Nội. Nhiều nơi mức nhiễm vượt quá hàng chục lần cho phép. Ô nhiễm hầu hết là các giếng nhỏ của gia đình và riêng đồng bằng Bắc Bộ có khoảng 5 triệu chiếc giếng như vậy. Đánh giá của Unicef còn cho thấy, khu vực phía nam Hà Nội, huyện cũ, ô nhiễm asen nặng nhất, thậm chí đứng đầu danh sách các địa chỉ ô nhiễm asen trên toàn quốc, đặc biệt tại một số khu vực thuộc phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, khu vực Thanh Trì. Tại huyện Quốc Oai, hàm lượng asen cao gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép. Còn tại huyện Đan Phượng, hàm lượng amoni trung bình vượt tiêu chuẩn cho phép tới 233 lần.
Mẫu nước xét nghiệm được lấy từ giếng khoan một hộ dân tổ dân phố Tó, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm cho thấy nước bị nhiễm asen gấp 13 lần tiêu chuẩn cho phép.
Đánh giá chung của các nhà khoa học và quốc tế việc nước có asen là do nhiều nguyên nhân gây ra như do con người như sử dụng quá mức phân bón, thuốc trừ sâu, đốt than, xỉ… Nhưng trên toàn vùng thì chủ yếu do địa chất, trong đất chứa quặng sắt, ô nhiễm nguồn nước ngầm... Tháng 7-2014, người dân Mỹ Đình II, Khu đô thị Mỹ Đình, Nam Từ Liêm không khỏi lo lắng khi phát hiện nguồn nước giếng khoan được cung cấp bởi Cty TNHH một thành viên dịch vụ nhà ở và khu đô thị HUDS, bị nhiễm asen gấp hai lần tiêu chuẩn cho phép suốt một thời gian dài. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó GĐ HUDS cho biết vào mùa mưa nước mặt thẩm thấu xuống đất khiến chỉ tiêu asen trong nước cao lên. Rất may, giờ đây người dân Mỹ Đình II đã được dùng nguồn nước an toàn do Cty Viwaco cung cấp.
Theo các nhà khoa học, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm ở Hà Nội hiện nay đang ở mức báo động nghiêm trọng. TP có địa hình thấp về phía nam và đông nam, toàn bộ nước bề mặt kéo theo chất bẩn về đây, ngấm xuống làm bẩn cả những tầng chứa nước nằm sâu dưới lòng đất.
Không phải bây giờ mà ngay từ thời điểm năm 2012, nhằm đánh giá về thực trạng nước ngầm của Hà Nội, Sở Tài nguyên & môi trường đã phân tích các mẫu nước được lấy từ nhiều nơi trên địa bàn TP. Với 150 mẫu nước được lấy từ các điểm khoan tại gần 200 giếng khoan khai thác nước quy mô công nghiệp và hàng nghìn giếng khoan khai thác nước giếng kiểu nhỏ lẻ, trong đó có giếng khoan Unicef của các hộ gia đình, đồng thời kết hợp với các tài liệu quan trắc nước dưới đất tại nhiều khu vực của Hà Nội cho thấy, diện tích nguồn nước ngầm bị ô nhiễm đang có dấu hiệu mở rộng, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước ngầm. Thực tế cho thấy, tại khu vực phía tây Hà Nội và khu vực các huyện ngoại thành thì nguồn nước ngầm ở cả hai tầng chứa nước nông và sâu cũng bị ô nhiễm các chất như amoni và asen.
Thêm vào đó, ở thủ đô tình trạng giếng khoan tự phát tại các khu dân cư, giếng khoan khai thác nước quy mô nhỏ trong sản xuất, kinh doanh nhà hàng không được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến thực tế khai thác tùy tiện và sử dụng cũng tùy tiện, nhất là các giếng khoan ở khu nhà trọ. Một giếng khoan có đến hàng chục hộ sử dụng và các loại tạp chất thải ngay tại khu vực khoan, ngấm xuống các tầng chứa nước ngầm. Bởi thế, khi nước ngầm được khai thác càng nhiều thì nước nhiễm bẩn cũng tràn xuống càng lớn khiến chất bẩn lan nhanh trong các tầng chứa nước.
Theo các nhà khoa học, sử dụng nước nhiễm asen có thể gây ra các bệnh ngoài da như biến đổi sắc tố, sạm da, sừng hóa, ung thư da... Về lâu dài, cũng có thể gây hại nhiều hệ cơ quan thần kinh, đái tháo đường.
Tác giả bài viết: Theo Gia Bảo
Nguồn tin: phapluatxahoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn