Đoàn thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường và Phòng Cảnh sát môi trường TPHCM kiểm tra hệ thống xử lý nước thải
Nhà máy bia Sài Gòn - Hoàng Quỳnh thuộc Công ty cổ phần Bia Sài Gòn – Bình Tây có trụ sở tại số A73/I đường số 7 KCN Vĩnh Lộc nổi lên như là một đôn vị điển hình vi phạm môi trường. Tuy nhiên, cho đến nay hình ảnh trên đã được nhà máy cải thiện. Hiện môi trường sản xuất của nhà máy bắt đầu sạch hơn.
Chất thải đã được thu gom, xử lý
Khảo sát quanh khu vực sản xuất của nhà máy, chúng tôi nhận thấy hiện trạng môi trường đã được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, hệ thống thu gom nước thải đã được tách riêng với hệ thống thu gom nước mưa. Toàn bộ nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất đã được nhà máy chuyển đến bể xử lý nước thải. Theo đó, nước thải tự chảy qua một vách ngăn tách rác một lớp để tách rác có kích cỡ lớn. Tiếp theo, các loại rác có kích thước nhỏ hơn 4mm được thiết bị tách rác tự động phân loại và được tải ra ngoài định kỳ.
Sau đó, nước thải được đổ vào bể thu gom. Từ bể thu gom, nước thải được bơm vào bể điều hòa để điều chỉnh nồng độ pH rồi chuyển đến hệ thống xử lý yếm khí, hiếu khí rồi qua bể lắng chảy ra ngoài. Còn đối với chất thải rắn bao gồm bã hèm và xác men được nhà máy cho thu gom và bán cho đơn vị chăn nuôi gia súc. Riêng vỏ chai, thùng hỏng và bao bì đựng nguyên vật liệu thì thu gom bán lại cho đơn vị tái chế. Ngoài ra, các chất thải nguy hại như dầu nhớt, hóa chất được nhà máy thu gom, cất giữ đúng quy định.
Trao đổi với Đoàn Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM sau khi tiến hành kiểm tra hiện trường nhà máy, đại diện đoàn cho biết, về nước ngầm, trước đây nhà máy có khoan 2 giếng nước ngầm để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Còn tại thời điểm kiểm tra, đoàn đã xác nhận nhà máy đã trám lấp 1 giếng còn 1 giếng vẫn đang sử dụng để sản xuất. Nhà máy đã tách rời đường thoát nước thải và đường thoát nước mưa, đảm bảo không để nước thải chảy vào đường thoát nước mưa; đã đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải và đấu nối nước thải sau xử lý với KCN.
Nhà máy đã liên hệ với KCN Vĩnh Lộc để được xác nhận đấu nối nhưng KCN chưa xác nhận đầu nối do hai bên chưa thỏa thuận được lưu lượng nước xả thải và tải lượng ô nhiễm nước thải của nhà máy. Về chất thải nguy hại, nhà máy đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Hoa Thư để vận chuyển và xử lý.
Đổi mới hình ảnh nhà máy: Khó vẫn phải làm
Lý giải vấn đề còn tồn tại trên, ông Nguyễn Xuân Hải, Tổng giám đốc Nhà máy Bia Sài Gòn – Hoàng Quỳnh cho biết, do đặc thù của nhà máy là sản xuất thực phẩm nước uống nên chất lượng nguồn nước cấp rất quan trọng. Do đó, công ty không thể sử dụng nguồn nước cấp của KCN mà phải sử dụng nước từ giếng khoan. Hiện nhà máy đang liên hệ với cơ quan chức năng để xin phép được khai thác nước ngầm từ giếng khoan này.
Riêng hệ thống xử lý nước thải, khí thải đều được nhà máy đầu tư và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường. Trong đó, đặc biệt hệ thống xử lý nước thải của nhà máy đang vận hành thường xuyên và chất lượng nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn loại B. Ngoài ra, nước thải sau xử lý được dẫn về hệ thống xử lý nước thải chung của KCN Vĩnh Lộc. Nhà máy đang xúc tiến cùng với KCN để xác nhận vấn đề đầu nối trên.
Ông Hải cũng nhấn mạnh thêm, Nhà máy Bia Sài Gòn – Bình Tây vừa sáp nhập vào Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn được hơn 4 tháng. Chúng tôi biết, trước đây nhà máy đã liên tục có hành vi vi phạm môi trường và đã bị các cơ quan chức năng xử lý nhiều lần. Muốn cải tạo hình ảnh của nhà máy là khó do vừa phải đảm bảo hoạt động sản xuất không bị gián đoạn, vừa phải hoàn chỉnh về hạ tầng để thực hiện yêu cầu bảo vệ môi trường, nhưng khó vẫn phải làm.