Những doanh nghiệp tái vi phạm môi trường sẽ bị ngắt điện, nước và niêm phong máy móc
Thứ năm - 16/04/2009 22:48
Bà Nguyễn Thị Dụ
Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM . Tuy nhiên làm thế nào để có thể thực hiện được biện pháp trên, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với bà Dụ về vấn đề này.
- PV: Sau 2 tháng thực hiện tổng kiểm tra về môi trường, đến nay có bao nhiêu doanh nghiệp vi phạm môi trường?
- Bà NGUYỄN THỊ DỤ: Có thể nói, đây là đợt tổng kiểm tra về môi trường có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Về lực lượng kiểm tra cũng có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thanh tra sở với Phòng Cảnh sát môi trường Công an TPHCM.
Cho đến nay, sau 2 tháng, đoàn đã kiểm tra hơn 100 doanh nghiệp (DN) tại các quận huyện và khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN).
Nhìn chung, các DN đã có thiện chí với môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 50% DN mắc các lỗi vi phạm như lưu giữ chất thải nguy hại chưa đúng quy định; chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc có xử lý nhưng chưa đạt yêu cầu; chưa tách rời hệ thống nước mưa với nước thải; tại cống thoát nước mưa vẫn có nước thải chảy ra; có hệ thống xử lý khí thải nhưng chưa vận hành thường xuyên…
- Vậy theo bà, làm thế nào để xử lý triệt để những DN vẫn cố tình tái vi phạm môi trường?
- Lần này, việc tổng kiểm tra không ngoài mục đích xử lý thật nghiêm những DN tái vi phạm môi trường nghiêm trọng. Theo đó, sở sẽ áp dụng biện pháp ngắt điện, nước những DN nào có chất lượng nước thải sau xử lý, vượt tiêu chuẩn 5 lần trở lên. Còn những trường hợp DN có lượng nước thải sau xử lý, vượt tiêu chuẩn 10 lần trở lên sẽ bị buộc ngưng hoạt động và niêm phong một số máy móc sản xuất phát sinh chất thải, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
- Từ trước đến nay, việc tổ chức cưỡng chế buộc DN ngưng sản xuất vẫn chưa thể thực hiện được có phải vì thiếu cơ quan chức năng thi hành?
- Lần này việc thi hành cưỡng chế sẽ do Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì. Đồng thời có sự phối hợp với UBND quận - huyện, phòng cảnh sát môi trường, Ban quản lý KCX-KCN và các ban ngành liên quan của quận - huyện. Tôi tin việc cưỡng chế thi hành sẽ không có gì trở ngại. Trường hợp nếu gặp trở ngại thì sở tiếp tục trình UBND TPHCM để có biện pháp tháo gỡ kịp thời, đảm bảo việc xử lý những DN cố tình vi phạm môi trường được thực hiện triệt để, hiệu quả.
- Với những DN vi phạm thì xử lý nghiêm. Còn những DN gây ô nhiễm nhưng chậm di dời thì hướng xử lý sẽ như thế nào?
- Trong đợt tổng kiểm tra lần này có bao gồm kiểm tra những DN chậm di dời. Tuy nhiên, vấn đề này đang gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể, Ban chỉ đạo di dời của TP có trách nhiệm lập danh sách, gia hạn thời gian, hỗ trợ vốn di dời cho DN thuộc diện ô nhiễm phải di dời đã giải tán từ năm 2007. Do đó, với những trường hợp chậm di dời, hiện sở chỉ có thể áp dụng quy định về xử phạt nếu họ có hành vi gây ô nhiễm môi trường.
- Liệu những DN gây ô nhiễm, chậm di dời nhưng họ đã thực hiện tốt quy định về môi trường thì có được ở lại không?
- Ngay từ đầu, việc lập danh sách DN gây ô nhiễm phải di dời ra khỏi khu dân cư là do quận huyện lập, đề xuất lên sở và sở trình lên UBND TPHCM. Do đó, để có thể được ở lại, trước hết họ phải tự khắc phục triệt để ô nhiễm môi trường. Sau đó, DN lập báo cáo gửi lên quận huyện để rút tên ra khỏi danh sách DN gây ô nhiễm. Đồng thời xin được ở lại. Sau đó, quận huyện sẽ tổng hợp danh sách gửi lên cho sở và sở sẽ trình UBND TP xem xét.
Theo tôi với những đơn vị đã khắc phục ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến môi trường khu vực dân cư xung quanh thì họ hoàn toàn có thể được ở lại, nhất là vào thời điểm suy thoái kinh tế hiện nay.
Nguồn tin: Ái Vân - sggp.org.vn