Thiết nghĩ, các khách sạn không nên vì cái lợi trước mắt mà xem thường sức khỏe của khách, uy tín và thương hiệu của mình.
Vì lợi nhuận, bất chấp sức khỏe của du khách, hàng loạt khách sạn ven biển Đà Nẵng (thuộc địa bàn quận Sơn Trà) đã sử dụng nguồn nước không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh để phục vụ du khách.
Xem nhẹ sức khỏe của khách.
Qua thống kê tình hình tiêu thụ nước của các khách sạn ven biển Đà Nẵng do Chi nhánh Cấp nước Sơn Trà (Công ty Cấp nước Đà Nẵng) cung cấp đã khiến mọi người không khỏi bất ngờ. Bởi nhiều khách sạn thuộc loại lớn, có đến hàng trăm phòng nhưng chỉ sử dụng vài mét khối nước, thậm chí không sử dụng bất kỳ mét khối nước nào trong nhiều tháng liền.
Đơn cử như khách sạn Như Minh (lô 7 Phạm Văn Đồng), từ tháng 1-2014 đến hết tháng 4-2015 chỉ sử dụng từ 2-3m³ nước, có tháng không phải trả đồng nào tiền tiêu thụ nước. Trong khi khách sạn này có đến 129 phòng và luôn trong tình trạng kín phòng.
Hay như khách sạn 3 sao Golden Sea (đường Phạm Văn Đồng) trong suốt 16 tháng (từ tháng 1-2014 đến 4-2015) có đến 6 tháng không sử dụng bất kỳ mét khối nước sạch nào. Những tháng còn lại tiền sử dụng nước cũng chỉ vài chục ngàn đồng.
Đây không phải là những trường hợp cá biệt. Bởi theo Chi nhánh Cấp nước Sơn Trà, trong thời gian qua có đến hàng chục khách sạn ven biển Đà Nẵng sử dụng nước máy theo hình thức đối phó, hóa đơn tiền nước mỗi tháng còn thấp hơn cả chục lần so với hộ gia đình.
Ông Phạm Xuân Thọ, Trưởng Chi nhánh Cấp nước Sơn Trà cho biết, hầu hết những khách sạn trên đều cam đoan sử dụng 100% nước thủy cục trong hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, qua thực tế hầu hết đều vi phạm.
“Nguồn nước mà những khách sạn này thay thế nước thủy cục chỉ có thể là nước giếng khoan, nước ngầm chưa qua xử lý, chứ không còn nguồn nào khác. Nguồn nước này chắc chắn không đảm bảo vệ sinh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người” - ông Thọ nhận định.
Trong khi đó, hầu hết những khách sạn này đều được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Đà Nẵng cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận ATVSTP là dựa trên việc khách sạn có đăng ký và cam đoan sử dụng nước thủy cục. Còn khách sạn có dùng nước thủy cục hay nước giếng khoan cho việc ngâm rửa, chế biến thực phẩm thì chi cục… không kiểm soát được.
Cũng theo ông Tiến, việc sử dụng nguồn nước khoan để phục vụ hoạt động ăn uống, tắm giặt mà không có biện pháp xử lý là cách “đùa giỡn” với sức khỏe và tính mạng của người sử dụng. Bởi nước ngầm, mặc dù trong suốt, không mùi, không vị nhưng lại chứa nhiều chất hóa học nguy hiểm, điển hình như asen (hay còn gọi thạch tín, độc gấp 4 lần thủy ngân) làm tăng nguy cơ gây ung thư da, phổi, thận và bàng quang.
Hệ quả khôn lường
Ông Nguyễn Đình Anh, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng cho rằng, khai thác nước ngầm liên tục, với công suất lớn sẽ dẫn đến tình trạng sụt lún cục bộ; ảnh hưởng hệ thống cống thu gom nước thải, làm tăng nguy cơ ngấm nước thải ô nhiễm ra môi trường. Đặc biệt, ở các khu vực gần biển như quận Sơn Trà, nước biển sẽ xâm lấn dần và làm nhiễm mặn nguồn nước…
Theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản của Chính phủ thì sẽ phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với việc khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ với lưu lượng từ 10m³ nước/ngày đêm trở lên. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Anh, quy định đã có nhưng việc kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác nước ngầm không hề dễ bởi số lượng khách sạn ở Đà Nẵng quá nhiều. Bên cạnh đó, các khách sạn vẫn sử dụng nước thủy cục theo kiểu cầm chừng để che lấp hành vi trái pháp luật của của mình.