Thanh tra - kiểm tra môi trường: Sẽ phối hợp để tránh chồng chéo
Thứ sáu - 29/05/2009 22:26
Đoàn Thanh tra liên ngành môi trường đang kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy bia Sài Gòn - Hoàng Quỳnh, KCN
Thời gian qua, Báo SGGP liên tục nhận được nhiều đơn thư của doanh nghiệp phản ánh về thực trạng chồng chéo trong thanh tra - kiểm tra (thanh, kiểm tra) môi trường. Cùng một nội dung chấp hành Luật Bảo vệ môi trường, nhưng có khi cùng lúc hoặc liên tiếp có các đoàn đến doanh nghiệp kiểm tra. Chúng tôi đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM, để làm rõ vấn đề này.
- Phóng viên: Theo bà, hiện có bao nhiêu cơ quan có thẩm quyền thanh, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp thực hiện Luật Bảo vệ môi trường?
Bà Nguyễn Thị Dụ: Hiện có 6 cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền được kiểm tra giám sát doanh nghiệp thực hiện Luật Bảo vệ môi trường. Đó là: Thanh tra Bộ TN-MT, Thanh tra Sở TN-MT, Phòng TN-MT các quận huyện, Thanh tra môi trường của Ban quản lý khu chế xuất – khu công nghiệp, Cục Cảnh sát môi trường thuộc Bộ Công an, Phòng cảnh sát môi trường thuộc công an tỉnh, thành.
Riêng tại TPHCM, vừa qua UBND TP có ban hành quyết định thành lập thêm tổ kiểm tra liên ngành về tình hình chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn. Tổ này do Sở TN-MT chủ trì, các thành viên phối hợp gồm có Sở Công thương, Ban quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Cảnh sát môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý khu công nghệ cao và đại diện phòng TN-MT 24 quận - huyện.
- Vậy chức năng hoạt động thanh, kiểm tra môi trường của các lực lượng trên được thực hiện như thế nào?
Có thể tạm phân loại cách thức thanh, kiểm tra môi trường như sau: Một là kiểm tra độc lập, tức là lực lượng thanh tra thuộc đơn vị nào thì tự tổ chức thanh tra theo quyền hạn, chức năng của lực lượng đó. Hai là Sở TN-MT chủ trì, tổ chức phối hợp với các lực lượng thanh tra còn lại để tiến hành kiểm tra tình hình chấp hành Luật Bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp. Về hình thức kiểm tra thì cũng có 2 dạng. Một là kiểm tra định kỳ (kiểm tra có thông báo trước) nhưng không quá 1 lần/năm. Hai là thực hiện kiểm tra đột xuất trong trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.
- Với nhiều cơ quan cùng có thẩm quyền thanh, kiểm tra môi trường thì liệu có xảy ra tình trạng chồng chéo trong kiểm tra như các doanh nghiệp đã phản ánh?
Điều này là khó tránh khỏi, vì mỗi bộ phận có chức năng riêng nên hoàn toàn có thể hoạt động kiểm tra một cách độc lập. Mà đã là kiểm tra độc lập thì không thể ngoại trừ việc một doanh nghiệp vừa bị cơ quan này kiểm tra lại bị cơ quan khác kiểm tra tiếp. Trên thực tế, thời gian qua cũng đã xảy ra nhiều trường hợp cùng một doanh nghiệp nhưng bị nhiều đoàn thanh tra môi trường đến kiểm tra.
- Vậy theo bà, làm thế nào để có thể khắc phục tình trạng trên, giảm thiểu phiền hà cho doanh nghiệp?
Có lẽ cũng cần thiết phải tổ chức lại hoạt động thanh, kiểm tra về môi trường để giảm thiểu phiền hà cho doanh nghiệp. Theo tôi, biện pháp hiệu quả nhất hiện nay là tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan có chức năng kiểm tra trong lĩnh vực môi trường. Đơn cử như thanh tra Sở TN-MT nếu muốn kiểm tra tình hình thực hiện bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp thì phải phối hợp với lực lượng thanh tra Ban quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp, cảnh sát môi trường. Trường hợp kiểm tra doanh nghiệp ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp thì nên phối hợp với Phòng TN-MT quận, huyện. Với cách làm này, các đơn vị có chức năng kiểm tra về môi trường đều có thể đồng loạt nắm được tình hình thực hiện bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, đồng thời tránh được tình trạng cùng một doanh nghiệp và cùng một nội dung kiểm tra nhưng doanh nghiệp bị kiểm tra quá nhiều lần.
- Nhưng việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan thường rất khó khăn?
Trên thực tế, thời gian qua công tác phối hợp trong hoạt động thanh, kiểm tra môi trường đã được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, từ cuối năm 2008 đến nay, thành phố có một số điều chỉnh trong công tác thanh, kiểm tra về thực hiện Luật Bảo vệ môi trường. Do đó, việc phối hợp thanh, kiểm tra về môi trường giữa các cơ quan chức năng còn thiếu chặt chẽ. Trong thời gian tới, tình trạng trên sẽ nhanh chóng được khắc phục. Trường hợp những đơn vị nào có thẩm quyền thanh, kiểm tra về môi trường bất hợp tác, cố tình gây nhũng nhiễu cho doanh nghiệp thì sở sẽ đề xuất với UBND TPHCM có biện pháp xử lý thích đáng.
Nguồn tin: Ái Vân - sggp.org.vn