Vào trung tuần tháng 9, ngôi nhà tạm của gia đình chị Vi Thị Mơ, bản Lả, xã Lượng Minh đã bị sạt lở đổ xuống dòng sông. Theo chị Mơ: “ Ban ngày gia đình phát hiện thấy sạt lở, nhà bị nghiêng đã kịp thời vội di chuyển đồ đạc và báo chính quyền huyện, đến sáng hôm sau thì lở sập trôi luôn cả nhà”. Nhà sát bên bờ sông nên gia đình chị Lô Thị Vân, không chỉ mất đất vườn, toàn bộ ngôi nhà sàn với bốn vách xây gạch đã bị sập khiến phải di dời khẩn cấp.
Theo phản ánh của các hộ dân, bên cạnh những vết sạt lở cũ còn xuất hiện nhiều vị trí sạt lở mới. Ngoài ra còn nhiều hộ khác cũng trong tình trạng bị đe dọa do sạt lở.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: Khi nghe tin, lãnh đạo huyện đã kịp thời vào kiểm tra và chỉ đạo các hộ dân phải di dời theo hình thức di vén. Đây là những phát sinh không nằm dưới cốt mức nước ngập. Gần đây, huyện Tương Dương đã kiểm tra tiến hành di dời 16 hộ dân của bản Xốp Mạt ở tạm ven sông vào khu vực tái định cư mới đang trong quá trình hoàn thiện. Còn đối với các hộ dân khác đang tiếp tục theo dõi để đánh giá mức độ tác động và có phương án cụ thể.
Theo đơn vị làm chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tổng Công ty Phát triển năng lượng Nghệ An, phần lớn các dấu vết sạt lở đều nằm ở trên mốc cao trình. Hiện tượng nứt và sạt lở là phù hợp với quy luật sau quá trình tích nước ở các lòng hồ thủy điện. Đây là hiện tượng tái tạo lòng hồ trong quá trình dâng nước rồi giảm nước. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng như thế nào, công ty đã phối hợp với huyện Tương Dương đánh giá, chụp ảnh các khu vực, các hộ gia đình bị ảnh hưởng để có phương án hỗ trợ, đền bù.
Hiện nay, quá trình sạt lở đang được chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi. Công ty cổ phần Tổng Công ty Phát triển năng lượng Nghệ An và huyện Tương Dương sẽ phối hợp để đánh giá và tiến hành cắm lại mốc một số điểm chưa phù hợp với hiện trạng thực tế sau quá trình ngập lũ và nước dâng cao trong quá trình vận hành.
Nguồn tin: MINH THƯ - nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn