Gia đình anh Triều và nhiều hộ ngư dân khác dựng chòi ở trên sông nên mọi sinh hoạt tắm, giặt đều phải dùng nước sông. Người dân nơi đây cho biết, những ngày ít mưa, dòng chảy lặng thì váng xanh ứ lại, mùi hôi tanh của mủ cao su xộc lên rất khó chịu. Nhiều lần tắm thấy người bị nổi mề đay rất ngứa nên không dám tắm nữa.
Ngư dân địa phương sống lâu năm trên khu vực này khẳng định, tình trạng nước sông xuất hiện váng xanh và mùi hôi tanh tồn tại đã nhiều năm nay, nhưng khoảng 2 - 3 năm nay thì màu xanh đậm đặc, còn mùi hôi thì nặng hơn. Váng xanh và mùi hôi thối của nước sông là do bị ô nhiễm từ việc xả thải của nhà máy chế biến mủ cao su đóng trên địa bàn giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước.
Nước thải các nhà máy mủ chảy theo suối Tà Mòn ra sông, nơi cách chòi vó ông Hoàng khoảng 4km về phía hạ lưu.Theo điều tra, khúc sông phía thượng nguồn, đoạn chảy qua địa phận xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, cách xã Tân Hiệp khoảng 6km, thời gian gần đây cũng chịu ô nhiễm nặng bởi việc xả thải của một số trang trại chăn nuôi gia súc trên địa bàn xã Minh Tâm.
Thượng nguồn sông Sài Gòn đổ vào lòng hồ Dầu Tiếng - công trình thủy lợi nhân tạo lớn vào loại bậc nhất Đông Nam Á này không chỉ phục vụ tưới tiêu cho hàng chục ngàn ha nông nghiệp của các địa phương thuộc các tỉnh Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, mà còn cung cấp nước cho các nhà máy lọc nước ở Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh, và là nguồn thủy hải sản thu hút hàng ngàn ngư dân địa phương và các nơi khác đến mưu sinh lập nghiệp.
Vì vậy, việc khu vực thượng nguồn bị ô nhiễm nghiêm trọng đồng nghĩa với vấn đề an sinh của người dân địa phương nói riêng và nguy cơ hủy hoại môi trường nước tự nhiên của toàn khu vực là rất lớn nếu như cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý triệt để.
Nguồn tin: antv.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn