Nước thải chưa qua xử lý của Công ty Hào Dương đổ thẳng xuống sông Đồng Điền. Ảnh: QUÝ LÂM
SGGP).- Sau khá nhiều tranh cãi và văn bản kiến nghị của các cơ quan chức năng có liên quan về việc xử lý kiên quyết những hành vi vi phạm của Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương (Công ty Hào Dương), đến chiều 14-10-2008, thông tin chính thức mà giới báo chí nhận được là chưa thể thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và con dấu của Công ty Hào Dương. Còn bao giờ và ai thực hiện việc thu hồi giấy phép thì câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.
Cơ quan chức năng: Lúng túng
Theo văn bản do ông Ngô Anh Tuấn, Phó trưởng Ban quản lý các KCN, KCX TPHCM (HEPZA) ký chiều 14-10 gửi UBND TPHCM thì “HEPZA không có thẩm quyền xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Bên cạnh đó, những cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm về môi trường như thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp (DN) vi phạm về lĩnh vực môi trường chưa được quy định trong văn bản pháp quy”.
Ông Tuấn giải thích theo Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành, DN chỉ bị rút giấy phép khi rơi vào một trong hai trường hợp sau: Thứ nhất, quá thời hạn cho phép nhưng chưa triển khai dự án; thứ hai, vi phạm các quy định và bị điều chỉnh bởi luật chuyên ngành - mà cụ thể ở trường hợp Công ty Hào Dương là bị điều chỉnh bởi Luật Bảo vệ Môi trường (PV).
Thế nhưng, trong Luật Bảo vệ Môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng không có điều khoản nào quy định được phép thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của DN vi phạm.
Cũng theo văn bản của HEPZA, đơn vị này đã đề xuất UBND TPHCM “ra quyết định đình chỉ ngay hoạt động và tước quyền sử dụng giấy phép môi trường; về lâu dài, HEPZA đề nghị UBNDTP, Chính phủ cho phép HEPZA thí điểm việc thu hồi giấy phép giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp DN trong KCN, KCX vi phạm nghiêm trọng và kéo dài về môi trường”. Đồng thời HEPZA đang thành lập đoàn kiểm tra để đánh giá tình hình và mức độ vi phạm thuộc các lĩnh vực đầu tư, xây dựng và lao động của Công ty Hào Dương.
Như vậy chỉ trong 2 ngày, cả hai cơ quan có liên quan là Sở TN-MT TPHCM và HEPZA đều có văn bản gửi UBND TPHCM báo cáo tình hình gây ô nhiễm của Công ty Hào Dương và hướng xử lý, nhưng xem ra cả hai văn bản này đều chưa giải quyết rốt ráo được vấn đề.
Văn bản của Sở TN-MT ngày 13-10 thì đề nghị HEPZA và Công ty cổ phần Đầu tư KCN Hiệp Phước thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và con dấu theo như kết luận cuộc họp ngày 16-9-2008 giữa HEPZA và Công ty Hào Dương.
Còn văn bản của HEPZA ngày 14-10 thì đề nghị UBND TPHCM ra quyết định đình chỉ ngay hoạt động Công ty Hào Dương; cho phép HEPZA thí điểm việc thu hồi giấy phép giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Rút cuộc, vẫn chưa thể thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Công ty Hào Dương.
Doanh nghiệp: có nhiều cách để hoạt động trở lại
Bề dày “thành tích” vi phạm của Công ty Hào Dương được thể hiện khá rõ trong hầu hết các báo cáo của các cơ quan chức năng. Trong các báo cáo này tuy có nhiều điểm khác nhau nhưng đều có chung nhận định là Công ty Hào Dương vi phạm nghiêm trọng các quy định hiện hành về môi trường, cần xử lý nghiêm.
Điểm chung nữa là tuy có đầy đủ các mục từ báo cáo tình hình, giải pháp, đề xuất, kiến nghị… nhưng Công ty Hào Dương vẫn hoạt động và tự do xả thải bao nhiêu năm nay. Ngoài việc xử phạt (mức phạt khá nhẹ nhàng), vào tháng 7-2008 công ty này đã bị rút giấy phép xả nước thải và không được cung cấp nước để sản xuất, tuy nhiên công ty đã “khắc phục” bằng cách mua nước trực tiếp từ các ghe và lấy nước từ sông lên phục vụ sản xuất.
Cũng trong thời điểm này, Sở TN-MT có công văn đề nghị Công ty điện Hiệp Phước ngắt điện. Tuy nhiên, trong khi điện chưa kịp cắt thì Công ty Hào Dương đã có văn bản xin hoãn thi hành biện pháp cắt điện do nhu cầu cần điện trong việc cải tạo hệ thống xử lý nước thải (?). Sau đó, đơn vị này đã trình được một bộ hồ sơ xây dựng hệ thống xử lý nước thải với chi phí khoảng 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo một số nhà chuyên môn thì số tiền đầu tư và hệ thống xử lý xem ra không “tương thích” (?).
Một vấn đề nữa đang được dư luận đặt ra là trong lúc chờ cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ hoặc thí điểm thu hồi giấy chứng nhận đầu tư như các cơ quan chức năng đã đề xuất (chưa biết ai và bao giờ ban hành quyết định), hiện nay chỉ có lực lượng cảnh sát môi trường đang niêm phong hiện trường. Nhưng lực lượng này sẽ bám trụ được bao lâu? Và liệu sau cơn “sóng gió” này, Công ty Hào Dương có tiếp tục hoạt động trở lại và lại vô tư xả thải như trước không? Câu trả lời xin dành cho các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp .