Ban hành Chương trình công tác năm 2022 của Cục Quản lý tài nguyên nước

Mới đây, Cục Quản lý tài nguyên nước đã ban hành Quyết định số 24/QĐ - TNN về Chương trình công tác năm 2022 của Cục Quản lý tài nguyên nước.
 
Mục tiêu nhằm xác định nội dung, tiến độ thực hiện, phân công trách nhiệm thực hiện, tổ chức thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ chủ yếu thuộc trách nhiệm của Cục Quản lý tài nguyên nước được giao thực hiện Chương trình hành động của ngành Tài nguyên và Môi trường thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 ban hành tại Quyết định số 148/QĐ-BTNMT ngày 20 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
 
Theo đó, Chương trình công tác năm 2022 của Cục Quản lý tài nguyên nước bao gồm các nhiệm vụ chủ yếu như sau: 
 
Một là, trình Chính phủ Dự án tổng kết thi hành Luật tài nguyên nước và Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, đưa Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
 
Hai là, triển khai thực hiện quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông Bằng Giang-Kỳ Cùng, Sê San, SrêPôk; Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thẩm định các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng-Thái Bình và Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Ba là, thực hiện kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025. Hoàn thành và vận hành hệ thống theo dõi, giám sát việc khai thác sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước trên phạm vi toàn quốc; Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tổng thể về an ninh tài nguyên nước, đề xuất các giải pháp trữ nước thông qua các giải pháp phi công trình. Xây dựng, hoàn thiện báo cáo tài nguyên nước quốc gia.
 
Bốn là, tập trung triển khai, thực hiện việc cấp phép và cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất, trong đó trọng tâm là các công trình thủy lợi lớn, đa mục tiêu.
 
Năm là, kiểm soát, giám sát trực tuyến việc vận hành hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ phục vụ đa mục tiêu điều tiết cắt lũ, chống hạn, cung cấp điện năng.
 
Sáu là, tham mưu đề xuất các chủ trương, giải pháp, đối sách để thúc đẩy cơ chế chia sẻ, giải quyết tranh chấp, xung đột tài nguyên nước xuyên biên giới theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy và thông lệ quốc tế; trước mắt là cơ chế chia sẻ thông tin về các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở ngoài biên giới phía thượng nguồn lưu vực sông Hồng, sông Mê Công; chủ động tham mưu đề xuất các chủ trương, đối sách trong chia sẻ tài nguyên nước xuyên biên giới. Tiếp tục thúc đẩy hợp tác tận dụng cơ hội nguồn lực từ các tổ chức quốc tế trong quản lý tài nguyên nước.
 
Bẩy là, tiếp tục tổ chức thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Cục tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ; Sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục, bao gồm các đơn vị tổ chức hành chính và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục theo hướng tinh gọn, đồng bộ, thống nhất để nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
 
Tám là, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước của một số đơn vị khai thác, sử dụng nước đa mục tiêu, có quy mô lớn và phục vụ cấp nước cho đô thị. Tăng cường công tác hậu kiểm, kiểm soát giám sát việc khai thai sử dụng nước của các tổ chức cá nhân theo quy định giấy phép đã cấp.
 
Chín là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng hệ thống TTHC đơn giản, công khai, minh bạch; thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với các thủ tục đủ điều kiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; đẩy mạnh thanh toán điện tử và cho phép tổ chức, cá nhân thanh toán lệ phí khi giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của Bộ bằng nhiều phương tiện khác nhau; thực hiện tốt việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích; bảo đảm 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng.
 
Quyết định cũng nêu, Các Phó Cục trưởng có trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng theo yêu cầu.  
 
Trưởng các đơn vị được giao chủ trì xây dựng, trình Lãnh đạo Cục ban hành kế hoạch chi tiết thực hiện nhiệm vụ được giao; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị phối hợp tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ đảm bảo chất lượng và tiến độ; Hàng Quý trước ngày 12 của tháng cuối quý lập báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ gửi Văn phòng Cục, Phòng Kế hoạch - Tài chính để tổng hợp, trình Lãnh đạo Cục báo cáo Bộ.
 
Phòng Kế hoạch - Tài chính phối hợp với Văn phòng Cục chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình công tác này; lập báo cáo sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện trình Lãnh đạo Cục xem xét, báo cáo Bộ theo quy định.
 

Tác giả bài viết: DWRM