Đảm bảo thống nhất trong các nhiệm vụ quy hoạch về môi trường

Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến

Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến

Ngày 10/3, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chủ trì họp trực tuyến nghe báo cáo về triển khai các nhiệm vụ quy hoạch về môi trường.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Tổng cục được được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) giao chủ trì thực hiện 03 nhiệm vụ lập quy hoạch, gồm: Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch BVMT quốc gia); Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch đa dạng sinh học quốc gia); Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch quan trắc môi trường quốc gia). 
 
Trong thời gian qua, Tổng cục Môi trường đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, trên cơ sở phát huy vai trò của Ban Quản lý thực hiện các nhiệm vụ lập quy hoạch và phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia, đơn vị liên quan. Đến nay, nhiệm vụ lập quy hoạch bảo tồn đa sạng sinh học đã xây dựng, trình Bộ phê duyệt nội dung, dự toán dự án lập quy hoạch (Quyết định số 2842/QĐ-BTNMT ngày 15/12/2020); xây dựng trình Bộ xem xét, phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu; và tổ chức thực hiện rà soát, thu thập các thông tin thứ cấp để phục vụ thực hiện nhiệm vụ.


Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp trực tuyến nghe báo cáo về triển khai các nhiệm vụ quy hoạch về môi trường
 
Đối với nhiệm vụ lập quy hoạch quan trắc môi trường, Bộ đã phê duyệt thuyết minh chi tiết, dự toán nhiệm vụ tại Quyết định số 2246/QĐ-BTNMT ngày 12/10/2020. Theo đó, Tổng cục Môi trường đã tiến hành thu thập thông tin về chương trình quan trắc của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị quan trắc trực thuộc Bộ/ngành, các đơn vị quan trắc thuộc Bộ TN&MT;  xây dựng thông tin ban đầu về hệ thống quan trắc môi trường của địa phương nhằm làm căn cứ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia; tổng hợp toàn bộ năng lực các phòng thử nghiệm tại 63 tỉnh/thành phố và một số các đơn vị nghiên cứu trực để phục vụ thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch. Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục hoàn thiện, trình Bộ xem xét, thẩm định, phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhiệm vụ để triển khai thực hiện các nội dung cụ thể của nhiệm vụ.
 
Đối với nhiệm vụ lập quy hoạch bảo vệ môi trường, Tổng cục Môi trường sẽ tập trung hoàn thiện nội dung, thuyết minh dự toán chi tiết, dự toán nhiệm vụ để trình lại Bộ xem xét, phê duyệt vào giữa tháng 3/2021; đồng thời, chuẩn bị dự thảo văn bản tham mưu trình Bộ để hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng nội dung bảo vệ môi trường, lồng ghép nội dung của 03 quy hoạch trong quy hoạch tỉnh.
 
Để triển khai các nhiệm vụ được giao, Tổng cục Môi trường cũng kiến nghị, việc lập quy hoạch BVMT quốc gia là hoạt động lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, trong bối cảnh có nhiều quy hoạch hiện hữu, quy hoạch đang được các Bộ, ngành và các đơn vị trong Bộ, đồng thời, triển khai thực hiện, do đó, đề nghị Lãnh đạo Bộ chỉ đạo các đơn vị liên quan có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai các nhiệm vụ lập quy hoạch có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, tránh sự chồng chéo.

Bên cạnh đó, do các nhiệm vụ lập quy hoạch nêu trên đều là các nhiệm vụ khó và mới đối với lĩnh vực môi trường nên việc xây dựng, trình thẩm định, phê duyệt thuyết minh và dự toán chi tiết mất nhiều thời gian, đồng thời, phải đáp ứng yêu cầu về thời gian để thực hiện các quy định pháp lý về đấu thầu. Do đó, để đảm bảo chất lượng các quy hoạch, Tổng cục cần thêm thời gian để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
 
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị tham gia đã đóng góp ý kiến về nội dung, phương pháp, sản phẩm của các nhiệm vụ quy hoạch. Do quy hoạch BVMT có liên quan trực tiếp đến quy hoạch đất đai, quy hoạch biển, quy hoạch tài nguyên nước,… nên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong quá trình xây dựng các quy hoạch nhằm tạo ra sự thống nhất trong một hệ thống điều hành tổng thể quốc gia.


Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tham gia cuộc họp trực tuyến
 
Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, 3 nhiệm vụ lập quy hoạch có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Theo đó, cần có sự thống nhất về phương pháp để triển khai các nhiệm vụ. 
 
Ông Châu Trần Vĩnh - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho rằng, quy hoạch tài nguyên nước có mối quan hệ chặt chẽ với quy hoạch BVMT, đặc biệt là các nội dung về phân vùng bảo vệ nước các lưu vực sông. Theo đó, Cục cũng đề nghị Tổng cục Môi trường sớm xác định mức độ, phạm vi quy hoạch, quy hoạch bảo vệ nguồn nước, đặc biệt là đối với các nguồn nước phục vụ cho mục đích sinh hoạt, ăn uống nhằm đảm bảo tính kế thừa của các quy hoạch liên quan, đồng thời, đảm bảo các quy định pháp luật về lĩnh vực nước và môi trường. “Đối với quy hoạch quan trắc môi trường quốc gia, cần có sự lồng ghép các trạm quan trắc tài nguyên nước, khi tượng thủy văn, biển với các trạm quan trắc môi trường nhằm tối đa hóa lợi ích trong việc lồng ghép” - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước đề xuất. 


Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh phát biểu tại cuộc họp
 
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị, trên cơ sở các ý kiến tham gia của các đơn vị trực thuộc Bộ, Tổng cục Môi trường tổng hợp dữ liệu, tài liệu của các đơn vị liên quan, thiết lập hệ thống đầu vào để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ quy hoạch. “Cần phải làm rõ và bảo đảm chất lượng của các sản phẩm nhiệm vụ quy hoạch, tuân thủ đúng quy trình, đặc biệt là việc tuyển chọn các nhà thầu công khai, đúng quy định pháp luật” - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo.
 
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định đây là nhiệm vụ quan trọng, do đó, Tổng cục Môi trường cần phải có triết lý về phương pháp luận chắc chắc, bao gồm cả về phạm vi, đối tượng, phương pháp, sản phẩm cuối cùng.  Trong thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch, cần có sự tích hợp, xem xét mối quan hệ giữa quy hoạch bảo vệ môi trường với các quy hoạch khác để tránh chồng chéo giữa các quy hoạch. Bên cạnh đó, cần xác định rõ những công việc gì do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện và những nội dung công việc sẽ đặt hàng với các đối tác tư vấn. 
Bộ trưởng chỉ đạo, Tổng cục Môi trường chịụ trách nhiệm là đầu mối để tổng hợp quy hoạch và dữ liệu của các đơn vị nhằm có sự thống nhất về nội dung giữa các quy hoạch trong Bộ. “Các quy hoạch xây dựng cần phải dựa trên quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường trên cơ sở phân tích các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước trong từng giai đoạn, thời kỳ. Khi đưa ra quy hoạch cần có lộ trình để thực hiện và giải quyết được các xung đột. Cần có tính toán dài hạn, thống nhất, đồng thuận với các Bộ, ngành liên quan để phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo đời sống người dân”- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
 
 
 

Tác giả bài viết: DWRM