Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu năm 2011: Nguồn nước – một loại dầu khí của thế kỷ 21 và phụ nữ

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Ảnh TTXVN

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Ảnh TTXVN

Hôm nay, 29/4, Đoàn Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dẫn đầu bắt đầu chuyến thăm chính thức Nam Phi và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 21 diễn ra từ 5-7/5 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Cộng hòa Nam Phi, hai bên sẽ trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – Nam Phi trên các lĩnh vực thương mại, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, văn hóa du lịch, giao thông vận tải…

Quan hệ Việt Nam – Nam Phi phát triển ngày càng tốt đẹp. Hai nước đã ký Tuyên bố chung về “Đối tác vì hợp tác và phát triển” vào tháng 11/2004.

Trao đổi thương mại giữa hai nước phát triển mạnh, từ 192 triệu USD năm 2007 lên 658 triệu USD năm 2010.

Hai bên đã ký nhiều hiệp định, thỏa thuận như Hiệp định về thương mại, Bản ghi nhớ hợp tác về du lịch, hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên nước…

Phó Tổng thống Nam Phi thăm chính thức Việt Nam tháng 10/2010. Nam Phi công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, bỏ phiếu ủng hộ Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và hiện đang tài trợ cho dự án hợp tác 3 bên Việt Nam – Nam Phi – Ghinea Conakry trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phụ nữ chung tay tìm giải pháp cho các vấn đề của Thế kỷ 21

Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu năm nay có chủ đề “Phụ nữ chung tay tìm giải pháp cho các vấn đề của Thế kỷ 21”.

Hội nghị tập trung thảo luận về 6 nhóm vấn đề, là tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu; phát triển kinh doanh có sử dụng công nghệ; các chính sách thúc đẩy đời sống kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy cơ hội làm ăn kinh tế cho phụ nữ; giao thương với Thổ Nhĩ Kỳ; nguồn nước – một loại dầu khí của thế kỷ 21 và phụ nữ.

Diễn đàn sẽ là cơ hội để các nhà lãnh đạo nữ trao đổi về các giải pháp kinh tế, tiền tệ, năng lượng, môi trường, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong hoạch định chính sách, tăng cường vai trò của phụ nữ trong việc triển khai các chiến lược quản lý tư và công.

Việc Việt Nam tham dự sự kiện này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước ta đối với sự nghiệp thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng.

Đoàn Việt Nam sẽ trao đổi kinh nghiệm, tăng cường quan hệ với các nhà lãnh đạo nữ của các quốc gia, tìm kiếm các đối tác hợp tác vì sự tiến bộ của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực.

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong 10 năm qua Việt Nam đã thực hiện tốt Chiến lược quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt, trong đó nổi bật là việc thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động – việc làm và chăm sóc sức khỏe.

Theo thống kê đến năm 2010, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nữ ở khu vực nông thôn đã tăng lên 82%, tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ ở khu vực thành thị đã giảm xuống dưới 5%.

Việc thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Vào năm 2010 tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai đủ 3 lần đã tăng lên 70%, tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản đã giảm xuống còn 69/100.000 người, tuổi thọ trung bình của phụ nữ Việt Nam đã tăng từ 70 tuổi vào năm 1999 lên 76 tuổi vào năm 2010.

Hiện nay chỉ số quyền năng giới của Việt Nam đã đạt 0,554, đứng ở vị trí thứ 62/109 nước và được đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách về giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua.






Tác giả bài viết: DWRM