Hội nghị tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước tại khu vực miền Bắc

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc phát biểu tại Hội nghị

Tiếp theo Hội nghị tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước tại khu vực miền Trung và miền Nam vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, ngày 19/9 tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị tại khu vực miền Bắc với sự tham gia của đại diện lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác tài nguyên nước thuộc các Sở TN&MT các tỉnh, cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan đến việc xác định, thu, nộp, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thuộc khu vực miền Bắc. Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc chủ trì Hội nghị.
 

Hội nghị được tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Hướng dẫn quy trình tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, việc tính toán, xác định tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Giới thiệu các yêu cầu kỹ thuật đối với việc thành lập các trạm khí tượng thủy văn phục vụ việc vận hành hồ chứa.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc nhấn mạnh, việc tổ chức Hội nghị là rất cần thiết nhằm hướng dẫn cụ thể để triển khai, thực thi Nghị định số 82/2017/NĐ-CP trong đời sống thực tế. Việc tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là vấn đề rất mới. Tuy nhiên, việc thực thi Nghị định có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo vệ và nâng cao ý thức tiết kiệm nước đồng thời, đảm bảo quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình khai thác tài nguyên nước.

Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, thực hiện Điều 65 của Luật tài nguyên nước về Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, ngày 17/7/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Nghị định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2017. “Mặc dù tài nguyên nước được coi là tài sản và điều này đã được thể chế trong Hiến pháp 2013, nhưng cơ chế coi nước là tài sản thì lần đầu tiên được thể hiện trong Nghị định 82/2017/NĐ-CP” – Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy cho biết.

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy phát biểu tại Hội nghị 

Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, hiện nay, quy định về cấp quyền khai thác tài nguyên nước không còn xa lạ với các nước trên thế giới. Ở nhiều nước, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho người dân và họ có quyền đối với nguồn nước được bảo vệ, khi đó, người dân sử dụng nước sinh hoạt không phải đóng tiền quản lý tài nguyên nước. 

Để quản lý hiệu quả nguồn tài sản quốc gia này, tại Việt Nam, Điều 65 Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã quy định: Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước phải nộp tiền cấp quyền khai thác trong các trường hợp sau đây: Khai thác nước để phát điện có mục đích thương mại; khai thác nước để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp; khai thác nước dưới đất để trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản tập trung với quy mô lớn. Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được xác định căn cứ vào chất lượng của nguồn nước, loại nguồn nước, điều kiện khai thác, quy mô, thời gian khai thác, mục đích sử dụng nước. Quy định như vậy, vừa bảo đảm khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ được nguồn nước khai thác, vừa bảo đảm được an sinh xã hội.

Theo Nghị định 82/2017/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất (chủ giấy phép) thuộc một trong các trường hợp sau phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước: (i) Đối với khai thác nước mặt: Khai thác nước mặt để phát điện; khai thác nước mặt để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi; (ii)  Đối với khai thác nước dưới đất: Khai thác nước dưới đất để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi; khai thác nước dưới đất (trừ nước lợ, nước mặn) để nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác với quy mô từ 20 m3/ngày đêm trở lên. 

Quang cảnh Hội nghị 

Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được quy định theo mục đích khai thác nước, có giá trị từ 0,1 - 2%. Cụ thể, khai thác nước dùng cho sản xuất thủy điện mức thu 1%; khai thác nước dùng cho kinh doanh, dịch vụ mức thu 2%; khai thác nước dùng cho sản xuất phi nông nghiệp, trừ nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi mức thu 1,5%. Khai thác nước dưới đất dùng cho tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác; khai thác nước mặt, nước dưới đất để làm mát máy, thiết bị, tạo hơi thì mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là 0,2%. Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với khai thác nước dưới đất dùng cho nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc là 0,1%. 

Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy cũng đã trao đổi, giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến Nghị định số 82/2017/NĐ-CP; và trình tự, thủ tục tính, thẩm định, phê duyệt hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
 

Tác giả bài viết: DWRM