Hội thảo quốc tế VACI 2023: Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước trong kỷ nguyên số
- Thứ sáu - 03/03/2023 10:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này

Quang cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; các Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Nguyễn Ngọc Hà, Triệu Đức Huy; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tống Ngọc Thanh cho biết, Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước trên nền tảng số là xu thế hiện nay, góp phần thúc đẩy an ninh tài nguyên nước quốc gia, chủ động về nguồn nước cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong mọi tình huống; bảo đảm phân bổ, điều hòa tài nguyên nước một cách công bằng, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.

Ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, gần 20 bài tham luận đã được các diễn giả là những chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước Việt Nam và quốc tế chia sẻ những nghiên cứu liên quan đến quản lý nguồn nước tổng hợp, quy hoạch và điều tra tài nguyên nước, bảo vệ nguồn nước; chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thúc đẩy kết nối mạng lưới các chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nghiệp phát triển giải pháp và đổi mới công nghệ quản lý tài nguyên nước trong kỷ nguyên số…

ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia chia sẻ tại Hội thảo
Đồng thời, đã hợp tác, phối hợp với Đức, Hà Lan để trao đổi về kinh nghiệm Quốc tế trong việc lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông thông qua các quy hoạch về tài nguyên nước của các quốc gia và xây dựng các nội dung của quy hoạch. Ngoài ra, trong quá trình lập Quy hoạch cũng có sự tham gia tâm huyết của các chuyên gia đầu ngành về tài nguyên nước.
Các Quy hoạch đã được các chuyên gia, nhà khoa học xem xét 5 nhóm vấn đề lớn cần giải quyết như: Tài nguyên nước; quản lý tài nguyên nước; khai thác, sử dụng tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra.
Cùng với đó là các kết quả chính của Quy hoạch gồm: Phân vùng quy hoạch, đoạn sông, chức năng nguồn nước; Tổng lượng tài nguyên nước, lượng nước có thể khai thác sử dụng, lượng nước dự phòng; Dòng chảy tối thiểu; Nhu cầu sử dụng nước; Lượng nước phân bổ cho các đối tượng sử dụng; Công trình điều tiết, khai thác sử dụng, phát triển tài nguyên nước, trữ nước; Danh mục các đoạn sông, đất ngập nước cần bảo vệ; Quản lý nguồn nước xuyên biên giới, bảo vệ các miền cấp nước dưới đất, ngưỡng giới hạn khai thác của các tầng chứa nước, bổ sung nhân tạo nước dưới đất; Phòng, chống sạt lở bờ sông, sụt lún đất, xâm nhập mặn do thăm dò, khai thác nước dưới đất.

ông Triệu Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia tham luận tại Hội thảo
Tham luận về việc xây dựng hệ thống thông tin, điều hành tác nghiệp và Chiến lược chuyển đổi số của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, TS. Triệu Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết, ngày 28/6/2021, Trung tâm đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TNNQG phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số trong công tác Quy hoạch, điều tra và bảo vệ tài nguyên nước giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, Trung tâm phấn đấu hoàn thiện 100% kiến trúc chuyển đổi số của Trung tâm, công tác điều tra, khảo sát, đo đạc trên nền tảng số; xây dựng hạ tầng dữ liệu của 13 lưu vực sông lớn; xây dựng và vận hành hệ thống tác nghiệp số trong điều tra, khảo sát, quan trắc tài nguyên nước trên nền tảng số; đồng thời cung cấp dịch vụ công giám sát, dự báo, cảnh báo về tài nguyên nước.
Hiện nay, Trung tâm đang xây dựng, hoàn thiện kho dữ liệu tài nguyên nước tập trung, thống nhất, áp dụng giải pháp công nghệ quản lý dữ liệu lớn (big data, data lake) nhằm quản lý toàn diện tài nguyên số về tài nguyên nước của Trung tâm. Cùng với đó, xây dựng nền tảng dữ liệu không gian dùng chung NAWAPI và hệ thống quản trị, điều hành, tác nghiệp tài nguyên nước trực tuyến với các hệ thống nhỏ được tích hợp.

Ông Renck Andreas, Trưởng dự án tăng cường bảo vệ nước ngầm ở Việt Nam chia sẻ về tăng cường quan trắc, giám sát và bảo vệ nước dưới đất Đồng bằng sông Cửu Long dựa vào cộng đồng