Khu vực phía Nam: Nước bị xâm nhập mặn và ô nhiễm chất hữu cơ, chất vi sinh

Một đoạn kênh Ba Bò nước đen, nổi bọt trắng. (Ảnh chụp chiều 26-6-2009).

Một đoạn kênh Ba Bò nước đen, nổi bọt trắng. (Ảnh chụp chiều 26-6-2009).

Đó là cụm từ được Bộ Tài nguyên-Môi trường và nhiều địa phương dùng để mô tả thực trạng nguồn nước ở khu vực phía Nam tài Hội nghị giao ban về hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường các tỉnh khu vực phía Nam được tổ chức tuần qua tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo Bộ Tài nguyên-Môi trường, ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nguồn nước trên sông Tiền, sông Hậu và các cửa sông thông ra biển đã có dấu hiệu nhiễm bẩn chất hữu cơ và chất vi sinh do các nguồn thải công nghiệp, nguồn thải nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp… chưa được xử lý, thải ra.

Môi trường nước ở lưu vực sông Đồng Nai cũng ở trong tình trạng tương tự, song xét mức độ thì có nhiều điểm đáng lo ngại hơn vì tại đây đã có đến 2 con sông, kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng, cần phải xử lý ngay, đó là kênh Ba Bò và sông Thị Vải.

Nguồn nước ngầm cũng rất đáng lo khi mà ở ĐBSCL đã có một số đô thị như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng bị xâm nhập mặn cục bộ, mực nước ngầm liên tục suy giảm. Thậm chí ở 6 xã của tỉnh An Giang, 6 xã của tỉnh Đồng Tháp, 5 xã của tỉnh Kiên Giang, 6 xã của tỉnh Bến Tre, 3 xã của tỉnh Long An, 4 xã của tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện bị nhiễm arsen (một loại chất có khả năng gây ung thư) trong nguồn nước ngầm.

Ở miền Đông Nam bộ, khu vực giàu nước ngầm chỉ còn khoảng 9.200km², chiếm 35% diện tích, trong khi đó diện tích đất nghèo nước ngầm vào khoảng 14.600km², chiếm 55% diện tích và diện tích nước rất nghèo đến không chứa nước là khoảng 2.300km², chiếm 9% diện tích. Nguồn nước ngầm ở miền Đông Nam bộ chủ yếu bị nhiễm nitrat, là loại ô nhiễm xử lý khá khó khăn. Nhiễm nitrat cũng là “căn bệnh” khá phổ biến của các quận, huyện tại TPHCM như Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Bình Chánh và quận 12.





Nguồn tin: An Nhiên - sggp.org.vn