Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hà: Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia - Giải pháp bảo vệ, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên nước tại Việt Nam

Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà

Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch ngành quốc gia lần đầu tiên được lập trong lĩnh vực tài nguyên nước (TNN), vì vậy, đang nhận được kỳ vọng rất lớn. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai là một trong những đột phá chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030. Đối với TNN, nội dung đột phá chiến lược đó là đảm bảo an ninh nguồn nước, ngăn chặn suy giảm nguồn nước, tăng cường tích nước, điều tiết, quản lý, khai thác , sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Quy hoạch TNN quốc gia được thông qua sẽ trở thành công cụ đắc lực để hướng đến sự phát triển bền vững đất nước.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí về ý nghĩa và tầm quan trọng của Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
 
Phóng viên: Thưa ông, Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
 
Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hà:
 
Như chúng ta đã biết, Việt Nam có mạng lưới sông suối tương đối dày đặc, khoảng 3450 con sông có chiều dài trên 10 km trở lên và tổng lượng TNN ở VN khoảng 930 tỷ m3/năm. Mặc dù Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nguồn TNN dồi dào, tuy nhiên, tổng lượng TNN phụ thuộc vào nước ngoài là tương đối lớn chiếm 60% lượng nước từ nước ngoài chảy vào (như TQ, Campuchia, Lào). Ngân hàng thế giới nhận định, TNN của Việt Nam là quá thừa, quá thiếu và quá bẩn. Nguồn nước VN đang phải chịu với rất nhiều thách thức lớn, đó là lượng phân bố không đều theo không gian và thời gian, lượng nước phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nước nước ngoài. Bên cạnh đó là áp lực phát triển kinh tế gia tăng ngày càng mạnh kéo theo đó là nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng dẫn đến hệ lụy của nó gây suy giảm nguồn nước, suy thoái ô nhiễm cạn kiệt nguồn nước, gia tăng các mẫu thuẫn sử dụng nước. Đồng thời, hiệu quả sử dụng nước của VN là tương đối thấp. Trong tổng lượng nước được khai thác, sử dụng hàng năm (80,6 tỷ m3) có khoảng trên 80% là sử dụng cho nông nghiệp nhưng hiệu quả kinh tế ở mức rất thấp, với mỗi đơn vị m3 nước, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 USD GDP, khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD, thấp hơn Lào 2,53 USD.
 
Phóng viên: Tại sao đến bây giờ chúng ta mới có một Quy hoạch tổng thể ngành TNN mang tầm vóc của cả một quốc gia như vậy. Theo ông, điều này có hơi muộn hay không?

Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hà:
 
Trong thời gian qua, sau khi Luật tài nguyên nước 2012 được ban hành, đã có rất nhiều câu hỏi tại sao đến bây giờ vẫn chưa có quy hoạch TNN. Tôi cũng xin chia sẻ như sau: Thứ nhất, TNN của chúng ta vô cùng đặc biệt, biến động theo không gian và thời gian. Bên cạnh đó, Quy hoạch TNN là một vấn đề mới và phức tạp cần nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng. Đặc biệt, Quy hoạch TNN liên quan rất nhiều các ngành sử dụng nước khác như ngành thủy lợi, ngành công thương, ngành giao thông thủy. Do vậy, chúng ta phải giải quyết hết sức hài hòa giữa các quy hoạch khác có liên quan để đảm bảo quy hoạch tài nguyên nước được ban hành phải hài hòa lợi ích giữa tất cả các ngành sử dụng nước, mang lại hiệu quả sử dụng nước cao nhất. 


Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà
 
Phóng viên: Theo ông, Quy hoạch TNN quốc gia có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước? 
 
Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hà:
 
Quy hoạch TNN quốc gia được ban hành sẽ định hướng tổng thể việc điều hòa phân bổ TNN trên phạm vi cả nước. Định hướng tổng thể các vấn đề sử dụng nước của vùng, của các lưu vực sông (LVS), đặc biệt là 13 LVS lớn ở Việt Nam. Nó là một trong những cơ sở quan trọng để lập các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tổng hợp LVS, quy hoạch tỉnh mà có các nội dung là khai thác, sử dụng TNN. Quy hoạch TNN ra đời đảm bảo các chính sách, các giải pháp bảo vệ khai thác sử dụng TNN, phòng chống tác hại do nước gây ra ở Việt Nam một cách đồng bộ và thực thi hiệu quả và hướng tới cao nhất nâng cao chỉ số an ninh TNN quốc gia tại Việt Nam.
 
Phóng viên: Quy hoạch TNN quốc gia và quá trình đánh giá môi trường chiến lược có mối liên hệ với nhau như thế nào, thưa ông?
 
Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hà:
 
Trong quá trình xây dựng Quy hoạch TNN quốc gia thì việc đánh giá môi trường chiến lược là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà chúng tôi quan tâm thực hiện trước hết. Thứ nhất, theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường thì tất cả các giải pháp chính sách trong quy hoạch TNN quốc gia đều phải được đánh giá môi trường chiến lược để đảm bảo các giải pháp đưa ra trong quy hoạch giảm thiểu tác động lớn nhất đến đời sống kinh tế - xã hội cũng như các đối tượng liên quan. Do đó, việc lập quy hoạch và quá trình đánh giá môi trường chiến lược sẽ giúp phát hiện sớm nhất các tác động bất lợi đến các phương án thực hiện quy hoạch để chúng ta có các giải pháp điều chỉnh kịp thời.
 
Phóng viên: Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thưa ông?
 
Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hà:
 
Trong quá trình xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chúng tôi đã gặp một số khó khăn như sau: Trước hết, theo quy định tại Luật Quy hoạch thì Quy hoạch TNN là cụ thể hóa cho Quy hoạch tổng thể quốc gia, tuy nhiên đến nay cũng chưa có Quy hoạch tổng thể quốc gia.
 
Cùng với đó, trong quá trình xây dựng Quy hoạch TNN quốc gia chúng tôi thấy rằng, còn có sự chồng lấn trong đối tượng quản lý giữa luật TNN cũng như pháp luật khác có liên quan (pháp luật về Thủy lợi, Công Thương, Giao Thông) có sự chồng lấn trong khai thác sử dụng. Cái này cũng là khó khăn trong quá trình thực tế triển khai về mặt thi hành các biện pháp ở Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, đây là quy hoạch lập lần đầu, là một trong những quy hoạch tiên phong trong các quy hoạch ngành. Thông tin dữ liệu điều tra cơ bản của các ngành, địa phương chưa được thực sự đồng bộ, nó rất khó khăn cho quá trình xử lý các thông tin dữ liệu liên quan để lập quy hoạch tài nguyên nước quốc gia. 
 
Bên cạnh những khó khăn trên, trong quá trình xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, chúng tôi cũng có những thuận lợi quan trọng. Đặc biệt là được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác lập quy hoạch; sự quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình lập Quy hoạch với quyết tâm để làm sao, lần đầu tiên Việt Nam có một quy hoạch TNN là một trong những cơ sở để chúng tôi phục vụ quá trình quản lý TNN nói riêng và là cơ sở cho các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh có khai thác, sử dụng nước để đảm bảo vấn đề sử dụng nước tổng hợp đa mục tiêu và hiệu quả cao nhất. 
 
Trong quá trình lập quy hoạch, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước đặc biệt là các chuyên gia trong nước, chúng tôi đã tham khảo rất nhiều chuyên gia có kinh nghiệm của các Bộ, các ngành, các lĩnh vực khác nhau như chuyên gia về thủy lợi, thủy điện, quy hoạch, các chuyên gia liên quan đến môi trường để làm sao quy hoạch TNN mang tính tổng thể, không manh mún và giải quyết được tổng thể vấn đề mà TNN Việt Nam đang gặp phải như hiện nay. Bên cạnh đó, với sự ra đời của Luật TNN năm 2012 kèm theo đó là Nghị định, Thông tư, Quyết định và các hướng dẫn kèm theo, có thể nói trong thời gian qua chúng ta đã có một hệ thống pháp luật TNN tương đối đồng bộ và hiệu quả. Ví dụ như là trong thời gian qua chúng tôi đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 LVS lớn quan trọng. Sau khi 11 quy trình được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã góp phần rất quan trọng trong việc điều hòa phân bổ TNN trên các LVS lớn quan trọng, góp phần giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra ở các LVS, đặc biệt là nâng cao mức đảm bảo cấp nước cho người dân ở khu vực hạ lưu, về mùa cạn điều hòa phân bổ dòng chảy và đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, cho nông nghiệp và sự phát triển kinh tế các ngành.
 

 
Phóng viên: Trong quá trình xây dựng Quy hoạch TNN quốc gia chúng ta đã học hỏi, tham khảo rất nhiều kinh nghiệm và mô hình hay của các nước trên thế giới để có thể vận dụng linh hoạt sáng tạo vào Việt Nam. Vậy ông có thể chia sẻ mô hình của một số nước nổi bật ở trên thế giới mà có thể giúp cho chúng ta hoàn thiện Quy hoạch TNN quốc gia?

Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hà:
 
Trong quá trình chúng tôi lập quy hoạch, ngoài việc chúng tôi tham khảo các quy hoạch chuyên ngành ở trong nước, chúng tôi cũng tham khảo rất nhiều quy hoạch TNN của các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc, Hà Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Thái Lan,… Đây là những quốc gia mà họ đi trước chúng ta từ 20 đến 30 năm thậm chí là 50 đến 60 năm về quá trình lập quy hoạch. Chúng tôi nghiên cứu, tham khảo quan điểm cũng như cách thức họ lập quy hoạch để có thể áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, vì có những nước mặc dù là tiên tiến như Úc, Mỹ, họ có thể ban hành các quy hoạch vùng, các quy hoạch bang,… tuy nhiên, do đặc điểm về nguồn nước, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia, từng vùng họ lập quy hoạch sẽ có những điểm khác với Việt Nam. Việt Nam chúng ta có nguồn TNN hết sức đặc biệt, rất nhiều mà lại rất thiếu, trong khi mà thiếu lại thường xảy ra trên diện rộng và tác hại của nó là rất to lớn. Chính vì vậy, bài toán đặt ra làm sao mà áp dụng được mô hình của các quốc gia trên thế giới cũng như áp dụng phương thức nào để áp dụng vào VN để lập Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia là hết sức phức tạp. Đó cũng chính là điều mà tôi muốn trả lời lúc đầu tại sao đến bây giờ mới ban hành được Quy hoạch này, nó cũng là một quá trình nhận thức để tìm được hướng đi để lập quy hoạch. 


 
Qua quá trình chúng tôi tìm hiểu kinh nghiệm các nước trên thế giới thì chúng tôi thấy rằng dù các nước phát triển đến đâu thì họ cũng phải trải qua 3 quá trình: Thứ nhất là giai đoạn sơ khai thì việc thực hiện quy hoạch một cách đơn lẻ. Các quy hoạch này chỉ phục vụ cho một đối tượng cụ thể, chưa có tính đồng bộ, và chưa tích hợp các chính sách về kỹ thuật và giai đoạn này chỉ ở mức sơ khai và hầu như ko xem xét các yếu tố tác động khác của các ngành khác mà chỉ lập cho ngành mình mà thôi. Thứ hai là giai đoạn kỹ thuật: giai đoạn này các chính sách đã tập trung hơn về mặt kỹ thuật trong đó tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và lập kế hoạch vận hành trong đó các giải pháp kỹ thuật chuyên môn được ưu tiên và các bước lập quy hoạch tập trung vào các giải pháp kỹ thuật là chính. Tùy thuộc vào xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, căng thẳng về số lượng cũng như chất lượng TNN thì vấn đề mâu thuẫn giữa các ngành, hiện trạng và năng lực vận hành các công trình khai thác thì giai đoạn 2 này sẽ chuyển sang giai đoạn thứ ba. Giai đoạn thứ ba là Chiến lược: giai đoạn này các quy hoạch của các nước trên thế giới đều trải qua giai đoạn một, hai và đến bây giờ là giai đoạn ba, cứ 5 năm hoặc 10 năm họ sẽ điều chỉnh các quy hoạch để làm sao phù hợp với điều kiện từng vùng. Quy hoạch ở giai đoạn này là quy hoạch mang tính chất đa ngành, trong đó đã tích hợp cả chính sách về mặt kỹ thuật thậm chí giai đoạn này còn ưu tiên hơn cho vấn đề định hướng các chính sách thay vì đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như trước đây, tránh việc tác động quá lớn vào dòng chảy, quá lớn vào TNN thông qua giải pháp công trình nếu chưa có sự đánh giá một cách toàn diện. 
 
Chính vì vậy, qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng mặc dù ở Việt Nam chưa có quy hoạch TNN, tuy nhiên các quy hoạch chuyên ngành như là thủy lợi, thủy điện, giao thông thủy hầu như đã được thực hiện và có thể nói rằng việc xây dựng bổ sung các công trình lớn ở Việt Nam hiện nay hầu như đã hoàn thành. Trên cơ sở nghiên cứu và xem xét đầy đủ các khía cạnh của vấn đề, chúng tôi đánh giá Việt Nam của chúng ta đã ở giai đoạn thứ ba rồi, chính vì vậy mà chúng ta ko thể nào quay lại tự đầu để đánh giá lại từ đầu quy hoạch giai đoạn 1, 2, 3 nữa. Vì vậy chúng tôi tập trung nghiên cứu theo hướng đi theo giai đoạn 3 là giai đoạn chiến lược. Theo đó mà tất cả những nội dung trong Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà chúng tôi đề ra mang tính chiến lược và chính sách. Bên cạnh đó cũng có các giải pháp về công trình, phi công trình tuy nhiên nó ko phải ưu tiên hàng đầu.
 
Xin cảm ơn ông!
 
 

Tác giả bài viết: DWRM