QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC HIỆU QUẢ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo khởi động xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tháng 6/2022.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo khởi động xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tháng 6/2022.

Trong thời gian vừa qua, lĩnh vực tài nguyên nước đã khẳng định được vị trí, vai trò của công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên phạm vi toàn quốc. Việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra đã tuân theo chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan, bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự và an toàn xã hội. Tài nguyên nước được quản lý bảo đảm, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh. Hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên nước đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung xây dựng, từng bước hoàn thiện, tạo lập hành lang pháp lý cơ bản cho công tác quản lý tài nguyên nước từ trung ương đến địa phương.
 
Luật tài nguyên nước hiện hành đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2012, có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 01 năm 2013, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước ở nước ta. Để triển khai thi hành Luật tài nguyên nước năm 2012, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tham mưu, xây dựng trình Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền 63 văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và triển khai Luật, trong đó có 12 Nghị định, 16 Quyết định của Thủ tướng, 35 Thông tư. 


Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc Diễn đàn chuyên đề quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL tháng 6/2019.

Tại các địa phương, đã có 54 tỉnh, thành phố ban hành được 357 văn bản hướng dẫn, thi hành Luật tài nguyên nước 2012 và các quy định của Nghị đinh, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tập trung vào các nội dung: Hành lang bảo vệ nguồn nước; Hạn chế khai thác nước dưới đất; Quy định quản lý tài nguyên nước ở địa phương; danh mục nguồn nước và Thanh tra, kiểm tra tài nguyên nước.
 
Cùng với đó, cơ chế tài chính, chủ trương kinh tế hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước bước đầu đã được thể chế hóa thông qua các văn bản đã được Bộ Tài chính ban hành như quy định về quản lý nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế trong quản lý tài nguyên nước, quy định đóng thuế tài nguyên nước và các khoản thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và quy định về phí thẩm định hồ sơ cấp phép tài nguyên nước;... Các quy định này nhằm khẳng định nước là tài sản quốc gia, bảo đảm lợi ích của nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu tài nguyên nước, nâng cao ý thức và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo đảm sự công bằng. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 5/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt được 846 công trình tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền 11.760 tỷ đồng; tại các địa phương, các tỉnh đã phê duyệt được tổng số tiền trên 540 tỷ đồng. Kết quả thu thuế tài nguyên nước từ khi có Luật Tài nguyên nước đến nay đạt hơn 48.004 tỷ đồng.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo khởi động xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tháng 6/2022.
 
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông phải xây dựng quy trình (bao gồm các lưu vực sông: Ba, Vu Gia - Thu Bồn, Sê San, Srepok, Mã, Cả, Kôn - Hà Thanh, Trà Khúc, sông Hồng, Đồng Nai và lưu vực sông Hương) nhằm giảm lũ cho hạ du trong mùa lũ, tăng hiệu quả sử dụng nước và đảm bảo nguồn nước cho sản xuất ở khu vực hạ du trong mùa cạn. 
 
Công tác quản lý lưu vực sông, quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, điều hòa phân bổ nguồn nước trên các lưu vực sông đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước triển khai thực hiện mạnh mẽ. Cục đã trình Bộ để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục lưu vực sông gồm 392 sông liên tỉnh làm căn cứ để triển khai các hoạt động quản lý lưu vực sông, phân công, phân cấp quản lý; Bộ đã ban hành Danh mục lưu vực sông nội tỉnh gồm trên 3045 sông nội tỉnh. Tài nguyên nước được quản lý theo quy hoạch tổng hợp, hướng đến việc đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia và tính liên vùng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước lưu vực sông, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh thông qua các Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia giai đoạn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 

Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Tài nguyên và môi trường về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập tháng 02/2020
 
Công tác điều tra cơ bản về tài nguyên nước đã được triển khai trên tất cả các mặt: Điều tra đánh giá tài nguyên nước mặt, nước dưới đất; tình hình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước; lập bản đồ lưu vực sông. Về cơ bản đến nay các thông tin, số liệu về tình hình tài nguyên nước, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước trên hầu hết các lưu vực sông lớn và các vùng kinh tế trọng điểm, các khu đô thị lớn, một số đảo lớn quan trọng đã được thu thập, cập nhật, làm cơ sở cho công tác quản lý.
 
Tại các địa phương, nhiều tỉnh đã chủ động bố trí ngân sách địa phương để đầu tư cho các dự án về điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên nước, hiện trạng khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước, lập quy hoạch tài nguyên nước, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước ở địa phương.
 
Công tác bảo vệ tài nguyên nước đã được tích cực triển khai như: Xây dựng và triển khai thực hiện các quy định pháp luật để bảo vệ hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ lòng, bờ bãi sông, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; lập quy hoạch tài nguyên nước,... Bước đầu xây dựng trạm quan trắc tự động chất lượng nguồn nước. Xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa bảo đảm dòng chảy tối thiểu trên sông. Thực hiện đề án Chính phủ “Bảo vệ tài nguyên nước dưới đất ở các đô thị lớn”. 
 
Công tác chủ động thích nghi, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc sử dụng nước ở thượng nguồn các lưu vực sông liên quốc gia đã được thực hiện với nhiều nội dung về theo dõi biến động nguồn nước, các hoạt động khai thác sử dụng nước ở ngoài biên giới phía thượng nguồn lưu vực sông Hồng, sông Mê Công; Xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát nguồn nước xuyên biên giới;….
 
Công tác hợp tác quốc tế nhằm bảo đảm an ninh nước quốc gia được quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, trong năm 2014, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tập trung hoàn thiện hồ sơ gia nhập Công ước để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định việc gia nhập Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy. Việc gia nhập Công ước của Việt Nam vào đầu năm 2014, với tư cách là thành viên thứ 35, đã chính thức đưa Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy sau 17 năm thông qua (từ năm 1997) chính thức có hiệu lực thi hành từ Quý III năm 2014. 
 
Trong những năm vừa qua, Cục Quản lý tài nguyên nước luôn tích cực, chủ động tìm kiếm các nguồn tài trợ quốc tế phục vụ cho công tác xây dựng thể chế, tăng cường năng lực cho hoạt động quản lý tài nguyên nước. Đến nay, có khoảng 15 dự án quốc tế về tài nguyên nước đã và đang thực hiện. Cục đã tham gia nhiều hội nghị, diễn đàn quốc tế quan nhằm tìm hiểu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác song phương trong lĩnh vực tài nguyên nước. Hiện nay, Ngân hàng thế giới và các tổ chức quốc tế  cũng đang đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý về quản lý tài nguyên nước như xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi, góp ý đề án bảo đảm an ninh tài nguyên nước, góp ý Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, xây dựng Chương trình Nước Quốc gia;…


Đoàn công tác của Bộ TN&MT chụp ảnh lưu niệm cùng các Thượng nghị sĩ và nhóm hữu nghị Pháp - Việt tại trụ sở của Thượng viện Pháp trong chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm về quản lý tài nguyên nước phục vụ xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)  tháng 6/2022.

 
Nhìn chung, từ khi công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước được thống nhất quản lý từ Trung ương xuống địa phương đến nay, Cục Quản lý tài nguyên nước đã nỗ lực hoàn thành một khối lượng công việc to lớn đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng thể chế, chính sách phục vụ công tác quản lý. Hoàn thành tốt và có hiệu quả các nhiệm vụ, dự án do Chính phủ, Bộ giao. Tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước như điều tra cơ bản, cấp phép, thanh tra kiểm tra, hướng dẫn các địa phương quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước và tổ chức phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng sâu rộng đến tất cả các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ và khai thác sử dụng tài nguyên nước, từng bước khẳng định vai trò của công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trong nền kinh tế xã hội nhất là việc bảo vệ, phát triển nguồn nước và nâng cao vai trò cũng như giá trị của tài nguyên nước trong nền kinh tế quốc dân.


Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông  Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu năm 2019.


Thứ trưởng Trần Qúy Kiên trao Bằng Khen của Bộ trưởng cho bà Nguyễn Thị Phương - Phó Trưởng phòng Chính sách và Pháp chế (Cục Quản lý tài nguyên nước) đã có thành tích trong công tác trả lời kiến nghị cử tri, chất vấn của Đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV

Để ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của Cục Quản lý tài nguyên nước đối với ngành tài nguyên và môi trường, trong những năm qua, Cục đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2011) và hạng Nhì (năm 2018), Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ (2013,2015,2019), Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (2014, 2015),… cùng nhiều danh hiệu, thi đua khen thưởng khác.  
 
 

Tác giả bài viết: DWRM