Biến đổi khí hậu và việc sử dụng hiệu quả tài nguyên nước ở Hà Giang

 Biến đổi khí hậu và việc sử dụng hiệu quả tài nguyên nước ở Hà Giang (TN&MT) - Những tác động của biến đổi kh

Biến đổi khí hậu và việc sử dụng hiệu quả tài nguyên nước ở Hà Giang (TN&MT) - Những tác động của biến đổi kh

Những tác động của biến đổi khí hậu đang làm suy kiệt nguồn tài nguyên nước trên nhiều vùng lãnh thổ. Ở Việt Nam, nhiều địa phương cũng đang trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Và để khắc phục những khó khăn này, nhiều giải pháp đã được đưa ra với mục tiêu sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Và vùng núi cao Hà Giang là một điển hình.
Giảm 30% nguồn nước do tác động của biến đổi khí hậu

Các dòng sông, con suối đang vào kỳ cạn kiệt. Nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất đang có nguy cơ khan hiếm trầm trọng. Đó là một phần của hệ quả mà biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp đến đời sống con người.

Tại Diễn đàn “Tăng cường quản lý nước“ do Liên Hợp quốc tổ chức mới đây, các nhà khoa học, quản lý quốc tế về nước đã cảnh báo nguy cơ: Nguồn nước ngày càng khan hiếm, có thể dẫn đến các cuộc chiến tranh về nước, song cũng có thể là chất xúc tác thúc đẩy hòa bình, hợp tác. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 2,5 tỷ người không được tiếp cận nguồn nước sạch, 1 tỷ người không được tiếp cận nguồn nước uống an toàn; 2,5 - 5 triệu người chết mỗi năm do vấn đề nguồn nước; 37 cuộc xung đột liên quan đến phân chia nguồn nước đã xảy ra trong 50 năm qua. Thế giới đang đứng trước thách thức lớn: Dân số thế giới tăng thêm 2,5 tỷ người vào năm 2050 nhưng nguồn nước toàn cầu lại giảm tới 10%. Biến đổi khí hậu đang gây lụt ở một số nước và làm giảm tới 30% nguồn nước ở nhiều vùng lãnh thổ khác.

Hà Giang – một điển hình trong bảo vệ và sử dụng tài nguyên nước

Những tác động của biến đổi khí hậu đến nguồn nước đang đặt ra yêu cầu cấp bách về việc sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước. Ở Việt Nam, điển hình của tình trạng thiếu nước sạch là vùng cao Hà Giang. Chính vì thế, người dân nơi đây luôn có ý thức bảo vệ rừng đầu nguồn để giữ nguồn sinh thủy phục vụ cuộc sống. Thêm vào đó, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, nhiều công trình trữ nước ngọt, cấp nước sinh hoạt cũng đã được xây dựng với số vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Là tình vùng cao có số ngày mưa ít, địa hình núi đá không trữ được nguồn nước ngọt nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô thường xuyên sảy ra. Chính vì thế, xây dựng các hồ nước chứa nước là một trong những giải pháp đầu tiên để trữ nguồn ngước ngọt. Dự án Đầu tư xây dựng hồ chứa nước tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn đã lên kế hoạch xây dựng tổng số 30 hồ. Đến nay, 28 công trình có quyết định phê duyệt dự toán với tổng vốn đầu tư trên 190 tỷ đồng; 12 công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng; 15 công trình đang thi công... Các hồ chứa này khi hoàn thành sẽ đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt trong mùa khô cho khoảng 54 nghìn người, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch - VSMT nông thôn mỗi năm cũng đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng các công trình cấp nước tập trung, công trình cấp nước hệ tự chảy. Năm 2009, có 26/36 công trình nước sạch - VSMT nông thôn được hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng hệ thống các công trình thuỷ lợi, hệ thống kênh, mương, công trình thu gom nước từ các khe suối cũng đóng vai trò tích cực trong việc khai thác hiệu quả nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tính đến nay, toàn tỉnh có 994 công trình thuỷ lợi được đầu tư xây dựng, ngoài việc tưới chắc cho gần 7 nghìn ha lúa Đông - Xuân, trên 19 nghìn ha lúa vụ mùa, nó còn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn người dân. Hiện tại, có 97 công trình thuỷ lợi đang thi công bằng nguồn vốn xây dựng cơ bản với tổng mức đầu tư gần 146 tỷ đồng; 82 công trình chuẩn bị đầu tư với tổng nguồn vốn 124 tỷ đồng. Trong thời gian tới, một số khu vực có khả năng về nguồn nước sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng hệ thống công trình thuỷ lợi.

Nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, năm qua Sở TN-MT Hà Giang cũng thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước như: Triển khai Đề án kiểm kê hiện trạng khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước; điều tra, khảo sát thu thập thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; triển khai Đề án quy hoạch, khai thác, sử dụng tài nguyên nước giai đoạn 2010-2020... Các giải pháp trên được triển khai đã góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn nước trên địa bàn tỉnh, nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn, miền núi.








Nguồn tin: tainguyenmoitruong.com.vn