Dân khổ vì công trình cấp nước không có nước

Công trình cấp nước sinh hoạt cho xã Yang Mao (huyên Krông Bông, Đắk Lắk) được đầu tư và đưa vào sử dụng từ năm 1996 với nguồn vốn tài trợ của Dự án Danida (Đan Mạch). Năm 2008, công trình được đầu tư gần 1 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp. Tuy nhiên, thay vì nâng cấp cho công trình hoạt động tốt hơn, các đơn vị thực hiện đã biến công trình từ “lợn lành thành lợn què” !
Tháng 8/2008, Công trình cấp nước sạch xã Yang Mao được huyện Krômg Bông đầu tư 945 triệu đồng nâng cấp. Xí nghiệp Đầu tư xây dựng nước và môi trường Krông Bông được giao lập thiết kế và tư vấn, Công ty TNHH Thuận Hiếu đảm nhận công tác thi công trong vòng 5 tháng. Theo đó, công trình được đầu tư thêm 1 trạm xử lý, cấp nước mới và nâng cấp hệ thống dẫn nước để cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 800 hộ dân của xã Yang Mao. Tuy nhiên, đến nay sau gần 2 năm thi công, các hộ dân trong vùng hưởng lợi trước đây được công trình phục vụ nước sinh hoạt đầy đủ đang lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt. Để có nước họ phải đi chở từ những con suối cách nơi ở rất xa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, công trình này từ chỗ cung cấp đủ nước sinh hoạt cho hơn 500 hộ dân ở Yang Mao thì nay chỉ còn 100 hộ được hưởng lợi, nhưng lượng nước cũng khá nhỏ giọt. Anh Y Thông Niê, một người dân ở xã Yang Mao cho biết: “Khi công trình chưa được nâng cấp, xây dựng trạm xử lý thì người dân mình vẫn được sử dụng nước thoải mái từ công trình. Nhưng từ khi nó được nâng cấp đến nay thì bà con không có nước sinh hoạt để dùng”.

Mặt khác, sau khi trạm xử lý nước của công trình này được thi công, công suất cấp nước không những không đáp ứng được yêu cầu mà chất lượng nước sinh hoạt theo đánh giá của người dân là tồi tệ hơn nhiều so với công trình cũ trước đây. Vô số đoạn đường ống dẫn nước bị gãy, vỡ khiến nhiều khu vực nước chảy lênh láng. Hai bồn chứa nước lớn trước đây bị tháo dỡ nhường chỗ làm nơi trú quân cho một đơn vị thi công đường Đông Trường Sơn. Đối với các hộ dân ở những khu dân cư có địa hình hơi cao hoặc ở xa thì đành tự thân vận động tìm nước sinh hoạt. “Cứ đến mùa khô là hàng trăm hộ dân chúng tôi phải đổ xô đi lấy nước ở các con suối, ao hồ. Mà nước ở các suối hay ao hồ vào mùa khô thì rất đục và bị nhiễm bẩn. Các hộ khá giả thì chọn giải pháp khoan, đào giếng”, anh Trần Công Nhạn, ở buôn Tar, xã Yang Mao bức xúc.

Nguyên nhân làm cho công trình từ “lợn lành thành lợn què” theo ông Trần Hữu Đạt – Phó trạm trưởng Trạm quản lý công trình nước sinh hoạt xã Yang Mao là do: công trình cũ trước đây có tới 3 đường ống lớn để dẫn nước từ trên núi về, nhưng không hiểu sao khi thực hiện dự án nâng cấp, sửa chữa người ta lại bỏ bớt đi 2 ống, chỉ chừa lại 1. Sau khi qua xử lý tại Trạm xử lý lại bị chia thành 3 ống để dẫn về các khu dân cư. Vì vậy lượng nước cung cấp vừa không đủ, áp lực nước quá yếu nên chỉ đầu nguồn là có nước nhỏ giọt, còn cuối nguồn hoặc trên cao một tý thì nước không thể đến được.

Ban quản lý dự án huyện Krông Bông lại đưa ra một mớ lý do khá lòng vòng: Nào là do các đường ống nằm dưới lòng đất nên việc khảo sát gặp khó khăn, khiến đơn vị tư vấn thiết kế vấp phải lỗi trong bản vẽ thiết kế công trình. Rồi do nguồn vốn đầu tư quá ít, không đủ để xây dựng công trình có quy mô như vậy.

Tuy nhiên, tất cả những lý do trên cũng chỉ là sự biện minh để che đậy những tắc trách mà các đơn vị liên quan đã gây nên. Sự thật là các đơn vị có trách nhiệm liên quan đến công trình đang gây lãng phí lớn tiền ngân sách do kiểu hành xử thiếu trách nhiệm kiểu “cha chung không ai khóc”. Và đối tượng phải gánh chịu hệ quả của sự tắc trách đó là hàng trăm hộ dân đang ngày ngày mỏi mòn chờ nguồn nước của công trình trong khô khát ?






Nguồn tin: Vfej.vn