Môi trường sông Cầu tỉnh Thái Nguyên: Nguồn thải nhiều khu công nghiệp chưa xử lý triệt để

Môi trường sông Cầu tỉnh Thái Nguyên: Nguồn thải nhiều khu công nghiệp chưa xử lý triệt để
Trong vòng hai năm trở lại đây, tỉnh Thái Nguyên đã thống kê và đưa vào danh sách 35 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, 29 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hiện nay, đã có một số đơn vị hoàn thành kế hoạch xử lý ô nhiễm, tuy nhiên vẫn chưa có đơn vị nào báo cáo kết quả hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm.
Kết quả điều tra, khảo sát, quan trắc đánh giá hiện trạng môi trường định kỳ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cho thấy, chất lượng môi trường không khí, nguồn nước tại các KCN, Cụm CN, nhà máy xí nghiệp, khu đô thị nằm trên địa bàn lưu vực sông Cầu đều có biểu hiện ô nhiễm. Trong đó, KCN Lưu Xá, các nhà máy sản xuất xi măng, luyện thép... hàm lượng bụi tại các khu vực này vượt tiêu chuẩn cho phép dao động từ 2 - 5 lần. Đáng chú ý, ô nhiễm bụi điển hình tại các khu vực xung quanh Nhà máy sản xuất xi măng, có thời điểm mùa khô mức độ ô nhiễm bụi tăng lên vượt tiêu chuẩn cho phép 7 - 8 lần.

Chất lượng nước đoạn trung lưu sông Cầu chảy qua TP. Thái Nguyên khu vực có mức độ phát triển kinh tế tương đối cao, đã suy giảm một cách nghiêm trọng. Hầu hết các chỉ tiêu chất lượng nước đều không đạt tiêu chuẩn chất lượng nguồn loại A (TCVN 5942 -1995). Nhiều nơi, nhiều chỉ tiêu không đạt nguồn loại B, nhất là vào những tháng mùa kiệt, khi nước ở thượng nguồn ít.

Theo đánh giá của Sở TN&MT Thái Nguyên, mặc dù nước thải của các nhà máy đã qua hệ thống xử lý nhưng chất lượng vẫn không đạt tiêu chuẩn xả thải. Thành phần chủ yếu nước thải của KCN sông Công bệnh viện Đa khoa Trung ương, KCN Luyện kim Lưu Xá chủ yếu là các hợp chất ô nhiễm hữu cơ và kim loại nặng. Nước thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp và nước thải của nhiều cơ sở khai thác khoáng sản không được xử lý, hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn đã gây ô nhiễm nguồn nước các sông suối tiếp nhận.

Nhiều sông suối tiếp nhận nước thải công nghiệp, khai thác khoáng sản, sinh hoạt đã bị nhiễm hợp chất hữu cơ và kim loại nặng trước khi hợp lưu với sông Cầu, sông Công, kéo theo chất lượng môi trường nước của hai dòng sông này sau các điểm hợp lưu và đoạn chảy qua TP.Thái Nguyên, thị xã Sông Công bị ô nhiễm, không đảm bảo sử dụng cho mục đích sinh hoạt, chỉ dùng cho tưới tiêu thủy lợi và các mục đích giao thông thủy.

Tại thị trấn Bãi Bông (Phổ Yên - Thái Nguyên), nước thải công nghiệp từ các nhà máy Z131, Công ty CP Cơ khí Phổ Yên, Công ty Giấy Trường Xuân hàng ngày thải một lượng lớn ra suối Rẽo chảy qua lòng thị trấn, sau đó mang theo nước ô nhiễm ra sông Cầu. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, việc xả thải của các nhà máy hiện nay đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của một bộ phận dân cư trên địa bàn thị trấn. Hiệu quả kiểm tra, xử lý đối với các nhà máy này, vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, việc thay đổi và cải tiến hệ thống xả thải của Công ty Giấy Trường Xuân, doanh nghiệp mạ An Khánh, Công ty CP Cơ khí Phổ Yên vẫn còn chậm, chưa đạt yêu cầu xả thải gây bức xúc cho người dân quanh khu vực.

Sở TN&MT Thái Nguyên tiến hành tăng cường thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các cụm, KCN, các cơ sở doanh nghiệp... Từ năm 2007 đến nay, trong số 220 lượt cơ sở được thanh tra đã phát hiện 105 lượt cơ sở vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, với tổng số tiền phạt khoảng 1.400 triệu đồng.

Riêng 6 tháng đầu năm 2010, Sở đã kiểm tra trên 150 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, xử lý 29 lượt cơ sở với tổng số tiền phạt trên 416,250 triệu đồng. Cụ thể, Chi nhánh Than Núi Hồng bị phạt 1,25 triệu đồng do không thực hiện đầy đủ tần suất quan trắc trong bản cam kết bảo vệ môi trường; Xí nghiệp Luyện kim màu 1, Công ty CP Cơ khí Phổ Yên bị phạt 14 triệu đồng do xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép, vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp nước thải  nhỏ hơn 10m3/ngày; Công ty Diezen sông Công bị phạt 40 triệu đồng do không thực hiện quan trắc môi trường đầy đủ tần suất theo cam kết trong báo cáo ĐTM được duyệt.              








Nguồn tin: TN&MT