Nguồn nước ngầm có nguy cơ bị ô nhiễm

Hiện cách xử lý rác thải tại các đô thị lớn của Việt Nam gần 90% bằng cách chôn lấp. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến nhiều tỉnh, thành bị chìm trong nước, đặc biệt là tại Nam bộ, vì vậy, nguy cơ nguồn nước ngầm tại đây bị ô nhiễm là rất cao.
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Bảo vệ môi trường đô thị và khu công nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu do Đại học quốc gia TPHCM phối hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên cùng phối hợp tổ chức tại TPHCM, ngày 2-12.

Theo ông Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài Nguyên, hiện trung bình bình mỗi ngày có 21.500 tấn chất thải rắn được thải ra từ các đô thị trên cả nước, trong đó, khoảng 90% được chôn lấp tại và trong trường hợp các bãi rác này bị rò rỉ nước do ngập thì nguy cơ suy thoái nguồn nước bề mặt và nguồn nước ngầm rất dễ xảy ra.

Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, xử lý chất thải đang này càng tăng là một trong những vấn đề cần phải làm của các đô thị, đặc biệt những đô thị luôn bị chìm ngập như TPHCM, Cần Thơ do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

“Hiện gần 90% rác thải tại các đô thị được xử lý bằng cách chôn lấp nên nguy cơ nước thải từ các khu xử lý này rò rỉ và không phù hợp với các đô thị luôn bị ngập bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu” ông Tuyến nói.

Ngoài ra, theo ông Lâm Minh Triết, Viện trưởng Viện Kỹ thuật tài nguyên nước và Môi trường, thách thức lớn nhất của biến đổi khí hậu mà Việt Nam đang đối diện là nguồn nước trong tự nhiên phân bổ không đều tại các tháng trong năm, do vậy, các đô thị, khu công nghiệp tại các tỉnh ven biển sẽ bị rơi vào cảnh thừa mà thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.






Nguồn tin: Ngọc Hùng - Thời báo kinh tế Sài Gòn