Chủ tịch IPU: Vấn đề cốt lõi là quyền của con người
- Thứ năm - 02/04/2015 15:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này

Chủ tịch IPU Saber Chowdhury trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ.
Trong phát biểu tại khai mạc IPU-132, ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng các chủ đề bàn thảo giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế là phải hướng tới người dân, đặt người dân vào những trọng tâm thảo luận, "phải hướng tới sự phát triển bền vững và hạnh phúc của người dân.Ông có thể nói cụ thể hơn, đặt người dân vào vị trí trung tâm nghĩa là như thế nào?
Chủ tịch IPU Saber Chowdhury: Đó là dựa trên lợi ích của con người. Tất cả những gì chúng ta làm, những kế hoạch chúng ta tạo ra và những hành động chúng ta sẽ làm, tất cả đều dựa trên lợi ích của con người.


Cho nên, tất cả những hành động, vấn đề cốt lõi là quyền của con người, phúc lợi và cuộc sống của con người tạo ra nền tảng cho những hành động của chúng ta trong chính trị. Bởi mục tiêu của chính trị là làm phong phú thêm và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.
Và nếu chúng ta không thực hiện, có nghĩa là chúng ta không hoàn thành nhiệm vụ.
Trong phiên họp ngày 30/3, Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền IPU-132 đã thông qua Dự thảo Nghị quyết về luật pháp quốc tế trong mối liên hệ với chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào nội bộ của nhau và quyền con người. Ông đánh giá thế nào về vai trò, ý nghĩa của nghị quyết này?
Chủ tịch IPU Saber Chowdhury: Theo tôi, đây là nghị quyết rất quan trọng. IPU đề cao một số vấn đề và nguyên tắc. Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất là chủ quyền quốc gia và chúng tôi tin rằng, các quốc gia không nên can thiệp vào công việc, vấn đề nội bộ của nhau. Việc tôn trọng giá trị nhất định của quốc gia khác là rất quan trọng.
Những gì tôi nói ở trên mọi người thường thấy là hiển nhiên, nhưng trên thực tế, rất nhiều nghị sĩ cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng cần thảo luận và cần có một giải pháp chung. Điều này chỉ ra rằng, rất nhiều nghị sĩ quan tâm tới vấn đề này.
Ở hội nghị IPU này chúng tôi rất vui mừng khi vấn đề này được nêu ra và đây cũng là một trong những vấn đề cốt yếu cho những cốt lõi cho hội nghị IPU và mục tiêu của IPU.
Trong phiên họp lần này, dự thảo Nghị quyết “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước” đã được đưa ra thảo luận. Theo tôi được biết, IPU chưa bao giờ có một nghị quyết bàn về chủ đề nước. Thưa ông, cơ chế mới về quản trị nguồn nước là gì?
Chủ tịch IPU Saber Chowdhury: Diễn đàn IPU đưa ra giải pháp cho nhiều vấn đề, nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta quan tâm và thảo luận về quản lý tài nguyên nước. Vì nước là tài nguyên khan hiếm, chúng ta làm sao quản lý tài nguyên nước như là một nhân tố thiết yếu cho cuộc sống, điều đó rất quan trọng.
Tôi thấy rất tốt khi các nghị sĩ của nghị viện đã tham gia vào các buổi thảo luận về vấn đề này. Và đây là lần đầu tiên, chúng tôi mong muốn có một giải pháp tối ưu cho các nghị viện ở các nước trên thế giới để quan tâm đến vấn đề tài nguyên nước. Sau đó, tôi hy vọng các nước có những hướng giải quyết, chiến lược tối ưu nhất cho riêng họ.
Tôi hy vọng, những kết quả trong hội nghị lần này sẽ là đòn bẩy để các nước thảo luận và đưa ra những giải pháp của riêng mình trên một vấn đề rất quan trọng, đó là quản lý tài nguyên nước.
IPU-132 sẽ thông qua Tuyên bố Hà Nội và một số nghị quyết. Vậy theo ông, làm sao để thực sự biến lời nói thành hành động?
Chủ tịch IPU Saber Chowdhury:
Mỗi nghị quyết mà chúng ta thông qua hay các cuộc họp đều tập trung vào chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”, với mong muốn biến đổi cuộc sống của người dân, với tư cách là đại diện của người dân. Biến lời nói thành hành động là cam kết của các nghị sĩ tại Đại hội đồng lần này. Sau khi dự IPU, các nghị viên sẽ mang những kinh nghiệm quý báu về nước, hiện thực hóa bằng các văn bản luật, nâng cao tính giải trình của chính phủ, và cung cấp những nguồn lực cần thiết cho việc triển khai các chính sách liên quan.