Toàn văn Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Hà Lan Mark Rutte tại Hội nghị về Phối hợp hỗ trợ phát triển tổng hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long
- Thứ ba - 17/06/2014 18:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này

Thủ tướng Chính phủ Hà Lan Mark Rutte phát biểu tại Hội nghị
Kính thưa Ngài Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam,
Thưa Quý vị đại biểu,
Liệu có gì hợp logic hơn mối quan hệ đối tác về nước giữa Việt Nam và Hà Lan?
Đặc biệt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một vùng đồng bằng có rất nhiều điểm chung với đất nước chúng tôi. Cả hai vùng đều là những khu vực có mật độ dân số cao, vùng đồng bằng thấp và có số dân tương đương nhau.
Và chúng ta đang cùng đối mặt với các thách thức tương tự nhau về biến đổi khí hậu: mực nước biển dâng, thay đổi chế độ dòng chảy và vấn đề xâm nhập mặn.


Đó là lý do vì sao 4 năm trước, chúng ta quyết định hợp tác chặt chẽ với nhau về Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long.
Bởi vì các chuyên gia từ các lĩnh vực, nền văn hóa và đất nước khác nhau có thể gặp gỡ, trao đổi học hỏi lẫn nhau.
Vào cuối 2013, một tầm nhìn dài hạn đã được công bố cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với sự có mặt của của các đối tác quốc tế, và bà Melanie Schultz van Haegen, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan, chịu trách nhiệm về quản lý nước.
Đây là thời điểm biến lời nói thành hành động.
Và tôi muốn nhấn mạnh lời kêu gọi chung cho một khuôn khổ phát triển vững chắc, như đã đề cập trong bài phát biểu của các đối tác hỗ trợ cho tầm nhìn này.
Để đạt được một dự án dài hạn, tham vọng và thành công như kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long cần thiết phải có một chiến lược rõ ràng.
Và cũng cần có sự gắn bó chặt chẽ thống nhất giữa các cơ quan và các tổ chức về vấn đề này.
Không ai giỏi vấn đề này hơn người Hà Lan, với hơn ngàn năm đất nước của chúng tôi đã chiến đấu với nước.
- Chúng tôi xây đập để ngăn nước.
- Chúng tôi kiến tạo những vùng đất mới.
- Chúng tôi xây các thành phố, thị trấn từ các vùng đầm lầy.
Và bây giờ, do biến đổi khí hậu, chúng tôi phải đối mặt với những thách thức mới và lớn hơn
Chúng tôi cần phải tiếp tục những gì mà chúng tôi đã làm tốt.
Nhưng chúng tôi cũng cần tìm kiếm những cách thức mới để đảm bảo cho tương lai. Và điều này cần có một phương pháp hoàn toàn mới và khác biệt.
Tại Hà Lan, chúng tôi đã xây dựng một Luật đặc biệt, Luật Đồng bằng, trong đó chuẩn bị tất cả các kế hoạch tài chính và hành động dài hạn.
Dĩ nhiên, chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức và chuyên môn của mình với các vùng đồng bằng khác.
Không chỉ là một sản phẩm xuất khẩu mà còn bởi vì chúng tôi nhận thức đó là một trách nhiệm.
Và bởi vì chúng tôi biết rằng hai trí tuệ hợp lại vẫn tốt hơn là một.
Và ngược lại, chúng tôi cũng có thể học được từ người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong nhiều thế kỷ, họ đã có cuộc sống thích ứng với nước, và đó là những thứ mà người Hà Lan cần học hỏi.
Vì vậy, chúng ta cần giúp đỡ lẫn nhau, và làm cho nhau mạnh mẽ hơn.
Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giúp giải quyết một trong những thách thức lớn nhất của thế giới - Làm thế nào để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu?
Và một thách thức lớn khác, làm thế nào để nuôi sống 9 tỷ miệng ăn vào năm 2050.
Giống như Hà Lan, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực rất màu mỡ với tiềm năng nông nghiệp to lớn.
Làm thế nào để tiềm năng này được khai thác một cách tốt nhất? Làm thế nào để phòng chống lũ lụt mà vẫn đảm bảo nguồn nước?
Và làm thế nào để chúng ta cân bằng được lợi ích của con người và những lợi ích về môi trường?
Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giúp trả lời câu hỏi này theo hướng bền vững và tổng hợp nhất.
Ngày hôm qua, Hà Lan và Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực, bởi vì trong lĩnh vực này, chúng ta có thể hỗ trợ nhau rất nhiều.
Với diệc tích tương tự như Đồng bằng sông Cửu Long, Hà Lan đóng góp 7.5% xuất khẩu lương thực toàn cầu và trở thành quốc gia xuất khẩu lớn thứ 2 trên toàn thế giới.
Tôi hy vọng vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thành công như vậy.
Việt Nam đã là một trong những nước xuất khẩu lương thực chính của thế giới.
Và việc chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng, bằng chứng là các thay đổi chính sách gần đây, hiển nhiên sẽ mang lại nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.
Tóm lại, Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long hứa hẹn một thỏa thuận lớn và sẽ đạt được sự ủng hộ rất lớn của cộng đồng quốc tế.
Bởi vì mặc dù Kế hoạch dựa trên chủ yếu là Việt Nam với sự hỗ trợ của Hà Lan, nhưng chúng ta cũng sẽ có một nỗ lực chung.
Cùng với đó, chúng ta sẽ biến lý thuyết thành hiện thực để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển một cách bền vững.
Trong một quan hệ đối tác thực sự, chúng ta có thể tận dụng tối ta các tiềm năng to lớn này.
Cám ơn.