Biến đổi khí hậu làm cho các đợt nắng nóng xảy ra nhiều hơn và dữ dội hơn
- Thứ ba - 09/08/2022 13:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này

Ảnh minh họa
Tiến sĩ Friederike Otto từ Viện Grantham về Biến đổi Khí hậu của Đại học Hoàng gia London (Anh) - người đứng đầu WWA đánh giá: “Ở châu Âu và các khu vực khác trên thế giới, chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều đợt nắng nóng kỷ lục gây ra nhiệt độ khắc nghiệt và nóng hơn so với hầu hết các mô hình khí hậu trước đây”.
Theo bà, đó là một phát hiện đáng lo ngại cho thấy nếu lượng khí thải carbon không được cắt giảm nhanh chóng, hậu quả của BĐKH đối với nắng nóng khắc nghiệt ở châu Âu, vốn đã cực kỳ nguy hiểm, có thể còn tồi tệ hơn chúng ta nghĩ trước đây.
Tiến sĩ Radhika Khosla từ Trường Doanh nghiệp và Môi trường Oxford Smith hoan nghênh những nỗ lực của WWA: "Bằng cách thực hiện phân tích nhanh dựa trên các phương pháp được đánh giá ngang hàng, WWA có thể công bố các kết quả dựa trên bằng chứng với cộng đồng. Đây là nghiên cứu mới nhất trong một loạt các nghiên cứu cho thấy cùng một kết quả: Biến đổi khí hậu làm cho các đợt nắng nóng xảy ra nhiều hơn và dữ dội hơn”.
Các nhà khoa học đã kết hợp quan sát dữ liệu về nhiệt độ trong nhiều năm, hoặc mô phỏng để xác định tác động của con người đối với nhiệt độ khắc nghiệt. Tiến sĩ Otto giải thích: “Bởi vì chúng ta biết rất rõ có bao nhiêu loại khí nhà kính đã được đưa vào bầu khí quyển kể từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp, chúng ta có thể đưa những khí này ra khỏi mô hình và mô phỏng một thế giới có thể không có BĐKH. Sự nóng lên toàn cầu tăng dần thực sự làm cho những hiện tượng trên có khả năng xảy ra nhiều hơn và thậm chí khiến nắng nóng gia tăng hơn. Sóng nhiệt cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn so với các thời tiết khắc nghiệt khác như lũ lụt và BĐKH.
Thay đổi lối sống để giảm thiểu sự khắc nghiệt của thời tiết
Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Cranfield (Anh), người tiêu dùng nên điều chỉnh hành vi của mình để tiết kiệm nước trong thời tiết khô hạn. Hạn chế độ dài của vòi hoa sen hoặc lượng nước tắm, không để vòi rò rỉ nước và lắp đặt các thiết bị tiết kiệm nước đều là những cách hiệu quả để tạo ra sự khác biệt.
Một số nhà bình luận gần đây đã dự đoán Vương quốc Anh sẽ trải qua tình trạng hạn hán tương tự như năm 1976, nhưng Giáo sư Ian Holman, Giám đốc Trung tâm Nước, Môi trường và Phát triển tại Đại học Cranfield cho rằng điều đó có thể không xảy ra vì sự khác biệt về điều kiện thời tiết hiện nay với thời tiết trước mùa hè năm 1976.
"Hạn hán năm 1976 là đỉnh điểm của gần hai năm rất khô hạn. Mực nước sông, nước ngầm và hồ chứa vào mùa xuân năm 1976 thấp hơn nhiều so với cùng thời điểm năm nay. Vì vậy, mặc dù thời tiết khô và nóng năm nay cũng ảnh hưởng tương tự đến các khu vườn và trang trại của nước Anh, nhưng tài nguyên nước ở phần lớn vùng Trung du, miền Nam và miền Đông nước Anh không chịu ảnh hưởng quá lớn do điều kiện thời tiết bình thường trong năm”.
Ông Holman cho biết, so với năm 1976, cơ sở hạ tầng cấp nước của Anh cũng được chuẩn bị tốt hơn, đặc biệt, các mạng lưới cấp nước được kết nối với nhau tốt hơn so với những năm 1970, giúp nước dễ dàng được chuyển đến nơi cần thiết.
Ngoài ra, nhiều nông dân làm công việc tưới tiêu cho cây trồng của họ đã xây dựng các hồ chứa trong trang trại kể từ đợt hạn hán năm 1976, họ lấy nước từ các con sông và tầng chứa nước trong mùa đông. Tuy nhiên, do Anh có xu hướng bị ảnh hưởng bởi hạn hán ít hơn lũ lụt, nên nguồn nước sẵn có thường được coi là đương nhiên và việc tiết kiệm nước không được thực sự chú trọng.
Giáo sư Holman cho biết thêm, các dự báo về BĐKH cho thấy nguy cơ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán và nắng nóng ngày càng gia tăng và bất kể hạn hán như thế nào, các cá nhân và xã hội nên hướng tới việc sử dụng nước hiệu quả nhất.
Ông nói: “Chúng ta cần phải công nhận rằng nước là một nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và khan hiếm. Chúng ta cũng có thể tận dụng tốt hơn nguồn nước bằng cách giảm rò rỉ và tăng lượng nước có thể tích trữ vào mùa đông để sử dụng vào mùa hè; khuyến khích chủ nhà trang bị thêm các thùng chứa nước; hỗ trợ kinh phí để nông dân đầu tư hồ trữ nước vào mùa đông để phục vụ nông trại; các công ty nước đầu tư vào các hồ chứa mới”.