Số ngày mưa phùn giảm do biến đổi khí hậu

Chủ tịch Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Nguyễn Phước Lộc, nói diễn đàn sẽ tạo cơ hội cho thế hệ thanh niên tuyên tr

Chủ tịch Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Nguyễn Phước Lộc, nói diễn đàn sẽ tạo cơ hội cho thế hệ thanh niên tuyên tr

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, số ngày mưa phùn giảm rõ rệt trong khi số ngày nắng nóng trong thập kỷ 1991 – 2000 nhiều hơn, nhất là ở Trung Bộ và Nam Bộ - TS Hoàng Đức Cường từ Viện Khí tượng Thủy văn&Môi trường cho biết tại diễn đàn “Xây dựng chương trình thanh niên hành động ứng phó với biến đổi khí hậu” ngày 14/7 ở Hà Nội.
Mưa lớn dị thường xảy ra nhiều hơn

Theo ông Cường, mưa trái mùa và mưa lớn dị thường xảy ra nhiều hơn, nổi bật là các đợt mưa tháng 11 ở Hà Nội và lân cận trong các năm 1984, 1996, và 2008. Trong khi đó, đường đi của bão có xu hướng dịch chuyển về phía nam và mùa bão tập trung vào các tháng cuối năm.

Ông Nguyễn Hồng Khan, Chủ tịch UBND xã Bạch Long thuộc tỉnh Nam Định, đưa ra dẫn chứng thời tiết ở Nam Định trong 10 năm trở lại đây rất khác thường như mưa xuân giảm trong khi lại có những trận mưa lớn gây ngập cục bộ, triều cường ngập cả vào nhà nghỉ ven biển. Còn tháng sáu vừa qua xuất hiện đợt nắng nóng liên tục trong hơn một tháng ảnh hưởng đến hoa màu và sức khỏe nhân dân.

Vẫn theo ông Cường, trong 50 năm qua, nền nhiệt độ tăng 0,5 độ C, có nơi - như Hà Nội hay những đô thị lớn - tăng từ 0,7 đến 1 độ C. 25 năm gần đây, nhiệt độ tăng lên rất nhiều so với 25 năm trước.

Đại diện Hội Thanh niên Hà Tĩnh cho biết: “Những năm qua tỉnh Hà Tĩnh chịu rất nhiều tác động của khí hậu như hạn hán kéo dài và mưa lũ. Nhiệt độ trung bình trong 50 năm qua tăng 0,7 độ C. Thời gian qua, nhiều vùng nhiệt độ lên trên 40 độ C, có nơi – như huyện Hương Khê – lên trên 42 độ C. Mưa lũ xảy ra nhiều hơn trong khi nước biển xâm lấn vào đất liền ảnh hưởng đến đời sống và môi trường, phát triển kinh tế”.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người theo chiều hướng tiêu cực như nguy cơ phát bệnh tăng, suy giảm khả năng miễn dịch, nguồn mang và truyền bệnh phát triển dẫn đến bùng nổ các đại dịch trước đây đã được kiểm soát như sốt rét, sốt xuất huyết, v.v…

Theo số liệu thống kê, trong 20 – 25 năm trở lại đây, có thêm 30 bệnh mới xuất hiện trên thế giới. Tỷ lệ bệnh nhân, tỷ lệ tử vong của nhiều bệnh truyền nhiễm gia tăng, trong đó có 400 triệu người phải đối mặt với nguy cơ bị bệnh sốt rét.

Cho nên việc xây dựng chương trình kiểm soát và giám sát sức khỏe quốc gia, thiết lập nhiều công viên cây xanh có tiểu khí hậu sạch đẹp là những biện pháp thích ứng cho sức khỏe cộng đồng trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Rừng làm giảm thiểu biến đổi khí hậu

Theo Thạc sĩ Trần Kim Tĩnh từ Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học thuộc Tổng cục Môi trường, rừng ngập mặn có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, đặc biệt là một nước có bờ biển dài hơn 330.000 km như Việt Nam.

Rừng ngập mặn từ lâu được biết đến như là “vành đai xanh” vì nó hạn chế xâm nhập mặn và bảo vệ nước ngầm; làm chậm dòng chảy và phát tán rộng nước triều; làm giảm mạnh độ cao của sóng khi triều cường.

Một số biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu mang tính định hướng đối với ngành lâm nghiệp như tăng cường trồng và bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, tăng cường phòng chống cháy rừng, chọn và nhân giống những loại cây trồng thích hợp với điều kiện tự nhiên của các vùng và biến đổi khí hậu.

Theo các nhà khoa học, lĩnh vực nông nghiệp sẽ thực sự mang lại những lợi ích lớn nếu các hoạt động quản lý tốt nhất được áp dụng rộng rãi, như tránh chuyển đổi mục đích sử dụng đất và sử dụng các chất dinh dưỡng có nguồn gốc tự nhiên như phân compost và phân chuồng thay cho phân hóa học.

Quản lý và xử lý chất thải là một trong những ưu tiên bảo vệ môi trường, góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong chiến lược giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.






Nguồn tin: Vfej.vn