Tây Ninh: Ban hành Quy trình vận hành, điều tiết hồ chứa nước Tha La
- Thứ năm - 07/01/2016 10:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này

Một góc hồ chứa nước Tha La
Quy trình nêu cụ thể về quy định chế độ vận hành hồ chứa nước Tha La đảm bảo an toàn sản xuất, an toàn công trình; quy định về phối hợp trách nhiệm giữa đơn vị quản lý hồ Tha La với địa phương, các ngành liên quan trong mùa lũ, mùa kiệt và khi công trình có sự cố. Theo đó, Công ty Khai thác thủy lợi Tây Ninh tổ chức lập, thực hiện các phương án bảo vệ an toàn hồ Tha La, bao gồm: Phương án bảo vệ cống xả đáy; phương án bảo vệ đập; phương án phòng, chống lụt bão, bảo đảm an toàn đập; phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du đập theo quy định.

UBND huyện Tân Châu phối hợp với Công ty Khai thác thủy lợi Tây Ninh tổ chức thực hiện phương án bảo vệ an toàn hồ Tha La; đồng thời chỉ đạo Chủ tịch UBND: Thị trấn Tân Châu, xã Thạnh Đông, xã Tân Phú, xã Suối Dây kịp thời huy động lực lượng tại địa phương tham gia ứng cứu bảo vệ công trình khi công trình xảy ra sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố. Tại các xã hưởng lợi từ công trình hồ Tha La, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các cơ quan, đoàn thể tại địa phương có trách nhiệm phối hợp giải quyết các tranh chấp trong việc sử dụng nguồn nước cung cấp từ công trình.
Quy trình cũng nêu cụ thể về vận hành, điều tiết trong mùa lũ, bao gồm: Trước mùa mưa lũ hàng năm, Công ty Khai thác thủy lợi Tây Ninh phải thực hiện; vận hành, điều tiết mực nước hồ trong mùa lũ; vận hành, điều tiết khi mực nước hồ cao hơn đường phòng phá hoại của biểu đồ điều phối.
Song song đó, vận hành, điều tiết trong mùa kiệt, bao gồm: Chuẩn bị phục vụ sản xuất; cao trình mực nước và dung tích hồ lớn nhất, nhỏ nhất ở cuối các tháng mùa kiệt; vận hành, điều tiết khi mực nước hồ ở trong vùng cấp nước bình thường của Biểu đồ điều phối hồ Tha La; vận hành, điều tiết khi mực nước hồ ở trong vùng hạn chế cấp nước của Biểu đồ điều phối hồ Tha La; vận hành, điều tiết khi mực nước hồ bằng hoặc thấp hơn mực nước chết.
Quy trình còn nêu rõ về vận hành, điều tiết khi hồ chứa có sự cố, bao gồm: Vận hành, điều tiết khi xảy ra sự cố đối với cống lấy nước, cống xả đáy và Đập chính; vận hành, điều tiết khi xảy ra sự cố đối với đập phụ. Đồng thời, quan trắc các yếu tố khí tượng thủy văn, bao gồm: Quan trắc khí tượng, thủy văn; kiểm tra, quan trắc chất lượng nước; ghi chép và lưu trữ tài liệu quan trắc.
UBND tỉnh Tây Ninh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện Quy trình này; báo cáo UBND tỉnh xử lý các trường hợp phòng, chống lụt bão và bảo vệ an toàn công trình, các hành vi vi phạm theo quy định; tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh quyết định việc phân lũ, chậm lũ, xả lũ theo các phương án phòng, chống lụt bão, bảo đảm an toàn đập; phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du đập.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Công ty Khai thác thủy lợi Tây Ninh phối hợp UBND huyện Tân Châu thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn hồ Tha La và an toàn đến tính mạng, tài sản của nhân dân vùng hạ du bị ảnh hưởng phân lũ, chậm lũ; vùng hạ du khi hồ xả lũ hoặc xảy ra sự cố; xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến Quy trình này theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện Quy trình này, nếu gặp khó khăn, vướng mắc hoặc có những nội dung không phù hợp cần sửa đổi, bổ sung; tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh Tây Ninh quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.