Cá chết do sông Nhuệ quá ô nhiễm

Cá chết dạt vào bờ sông Nhuệ. (Ảnh do Chi cục Bảo vệ Môi trường cung cấp)

Cá chết dạt vào bờ sông Nhuệ. (Ảnh do Chi cục Bảo vệ Môi trường cung cấp)

Theo kết quả phân tích nước sông Nhuệ do Trung tâm Quan trắc và phân tích thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện vừa được công bố ngày hôm nay, 11-3, nhiều điểm trên dòng sông, hàm lượng ô xy hòa tan nhỏ hơn tiêu chuẩn cho phép đến 20 lần, amoni cao hơn đến 65 lần, còn ni-tơ-rát vượt quá 41 lần!
Cá vẫn tiếp tục ngáp và đớp khí

Sau khi các báo đưa tin về hiện tượng chưa từng có từ trước đến nay: hàng tấn cá chết trên sông Nhuệ (trong đó, 90% số cá chết là cá dọn bể, một loài cá có khả năng chống chọi với ô nhiễm rất lớn), chiều 10-3 đội quan trắc của Trung tâm quan trắc phân tích tài nguyên và môi trường cùng cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đã tiến hành đánh giá sơ bộ hiện tượng này.

Đội quan trắc đã lấy mẫu nước ở 10 điểm trên sông Nhuệ. Trong đó có những điểm chỉ cách sông Hồng 200m nên ít bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm như cống Liên Mạc, cống Chèm, đến những điểm sông Nhuệ trở thành nơi xả nước thải và tưới tiêu như thôn Tân Phong, xã Thụy Phương, hay những khúc sông đi qua các nhà máy, khu công nghiệp...

Theo quan sát của đội, trên sông Nhuệ từ cống Chèm đến cầu Noi vẫn thấy hiện tượng cá nổi lên ngáp và đớp khí. Cách cống Chèm 300m, nước bắt đầu đen xám, bốc mùi hôi. Tại đây, lượng ô xy hòa tan đo được là 0,2mg/l, thấp hơn tiêu chuẩn cho phép (là 4mg/l) đến 20 lần.

Nơi có hàm lượng amoni cao nhất, lên đến 32,5 mg/l, cao hơn tiêu chuẩn cho phép (0,5mg/l) đến 65 lần là xã Đông Ngạc, nơi có nhà máy điện cơ và điểm sông Nhuệ chứa nguồn thải từ nhà máy Sơn Hà Nội, Z151, in quân đội, Viện Hóa công nghiệp, Viện Thiết kế vũ khí. Bắt đầu từ xã Đông Ngạc, một phần tư sông Nhuệ có màu xám đen kéo dài. Còn tại các nguồn thải của những nhà máy trên, nước có màu đen sẫm, chảy mạnh, bốc mùi hôi thối.

Nơi có hàm lượng amoni cao không kém, gấp 59 lần tiêu chuẩn cho phép, đó chính là mẫu nước được lấy tại cống Cầu Đen. Đây là cống chảy qua khu vực làng Cổ Nhuế, siêu thị Metro. Tại đây nước chảy xiết, màu trắng đục, nổi bọt trắng và bốc mùi hôi thối.

Điểm có hàm lượng ni-tơ-rát vượt quá 41 lần (1,64mg/l so với tiêu chuẩn 0,04mg/l) là tại cầu Sắt, Cổ Nhuế. Đây là điểm hợp lưu của sông Nhuệ và mương Đăm, con mương chảy qua cụm công nghiệp Phú Minh. Nước tại khu vực này có màu đỏ nâu, cá dọn bể rất nhiều, nhảy lên lao xao cả nhánh sông.

Trong quá trình điều tra suốt dọc sông, nhóm điều tra thấy hiện tượng cá chết trôi dạt vào hai bên bờ sông ở sau khu vực nhà máy xử lý phế thải thôn Nhuệ Giáng, xã Tây Mỗ. Nhưng đáng tiếc, lúc lấy mẫu nước tại đây, nước thải từ nhà máy xử lý phế thải lại không chảy.

Nguyên nhân do nước xả thải

Ông Nguyễn Văn Lưỡng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội khẳng định, sở dĩ có hiện tượng thiếu ô xy là do có quá nhiều chất hữu cơ từ các khu vực dân cư và các chất thải công nghiệp ở các công ty, khu cụm công nghiệp đổ vào sông Nhuệ không qua xử lý dẫn đến dư thừa chất hữu cơ và các loại chất độc hại.

Theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết, nhưng nguyên nhân chính là do lượng nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ vào sông Nhuệ quá nhiều. Ông Hải cũng không loại trừ nguyên nhân có thể do một cơ sở, địa điểm nào đó có độc tố trong nước thải, xả trộm ra sông gây ra hiện tượng bất thường làm cá chết.

Ông Hải cho biết, cá chết nổi được xác định ở đoạn sông từ cầu Am đến cầu Hà Đông. Như vậy, nguồn nước ô nhiễm gây chết cá phải là đoạn trên đó. Cá chết và trôi xuống một khoảng sông, sau đó mới nổi lên. Vì vậy, Chi cục Bảo vệ Môi trường đang tập trung truy tìm nguồn gây ô nhiễm phía trên đoạn sông này.

Mấy ngày qua, Công ty Thủy lợi sông Nhuệ và Công ty Môi trường đô thị Hà Đông được giao nhiệm vụ dọn số cá chết. Ước tính đã có khoảng 10 tấn cá chết. Trên nhiều khúc sông, cá vẫn đang tiếp tục ngoi ngóp chết.








Nguồn tin: THẢO LÊ - Báo Nhân Dân